1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Viêm tai giữa - Bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ

(Dân trí) - Con gái tôi 24 tháng tuổi, trong thời gian gần đây cháu thường hay quấy khóc và phản ứng khi bị chạm vào tai trái. Đây có phải là bệnh viêm tai giữa. Nếu đúng thì phải chữa thế nào? (Lê Thị Hoài - Trâu Quỳ, Gia Lâm, HN)

Trả lời của GS, TS Nguyễn Thị Dĩnh- BV Tai Mũi Họng TƯ:

 

Viêm tai giữa là bệnh hay gặp ở trẻ em. Đặc biệt, trong những tháng mùa  mưa, số trẻ  mắc bệnh thường cao hơn hẳn so với các thời điểm khác. Nguyên nhân là do thời tiết nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho vi rút phát triển nhanh, làm tăng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, kéo theo các bệnh về tai.

 

Tác nhân gây bệnh thường là Streptococcus pneumoniae, Haemophillus influenae, Moraxella… Nếu không điều trị, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: viêm tai ngoài, điếc, nghễnh ngãng do tổn thương các xương con, viêm xương chủm, nguy hiểm nhất là biến chứng nội sọ như áp-xe não.

 

Thông thường viêm tai giữa chia làm 2 loại, viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa tiết dịch. Viêm tai giữa cấp biểu hiện bằng sự đau tai dữ dội, trẻ quấy khóc không ngủ, có thể bị sốt, ói, ù tai, chóng mặt, sau đó trẻ bớt đau khi xuất hiện chảy mủ tai, thính lực bị giảm. Viêm tai giữa mãn: trẻ chảy mủ tai liên tục và giảm thính lực, thủng màng nhĩ...

 

Một số gia đình khi thấy tai con bị chảy mủ thường nhét bông gòn hoặc rắc thuốc bột vào tai trẻ. Điều này rất nguy hiểm vì bông làm mủ không thoát ra được, gây thủng màng nhĩ dẫn tới viêm màng não. Bột thuốc cũng làm tăng nguy cơ mủ chảy vào tai. 

 

Chính vì vậy, khi phát hiện thấy trẻ có các triệu chứng như quấy khóc nhiều, tai chảy nước nhầy hoặc mủ, sức nghe bị giảm, cha  cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa về tai để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý chữa trị ở nhà. Khi đã được bác sĩ thăm khám và xác định chính xác bệnh viêm tai giữa, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị tuỳ theo tình trạng bệnh.

 

Phạm Thanh (ghi)

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ