Viêm phổi, tử vong vì cúm thường
(Dân trí) - Trong mấy tuần gần đây, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều ca viêm phổi nặng do cúm đến khám. Có ca bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp không thể phục hồi dẫn đến tử vong dù mắc cúm thường.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân cúm vẫn rải rác nhập viện từ đầu năm đến nay, trong đó một bệnh nhân tử vong là người nước ngoài. Bệnh nhân này vào Việt Nam sau vài ngày thì bị sốt liên tiếp trong 5 ngày liền, vào bệnh viện khám đã trong tình trạng viêm phổi nặng. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới, trong tình trạng suy hô hấp rất nặng và đã không thể qua khỏi sau hơn 1 tháng điều trị. Trước đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bệnh nhân này cư trú cũng xảy ra dịch cúm làm chết người.
Một trường hợp khác, là nam giới 40 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do cúm. Sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và ra viện.
Trong 2 tuần qua, có 5 ca viêm phổi nghi ngờ cúm nhập viện thì có 2 ca được xác định nhiễm cúm A(H1N1) và đang trong tình trạng thở máy.
Mới đây nhất có 3 trường hợp nhập viện viêm phổi nghi nhiễm cúm và đều đang thở máy. Trong đó có một trường hợp là nam giới 50 tuổi ở Phú Thọ đang phải thở máy. Bệnh nhân này có mẹ mới mất vì viêm phổi nặng tiến triển không rõ nguyên nhân. Sau khi mẹ mất, người đàn ông này cũng có biểu hiện sốt, sau đó viêm phổi và được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ, các chủng cúm đều tiến triển nhanh chứ không riêng gì độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm A/H1N1, cúm mùa hay H5N1, H7N1. Riêng với thường như cúm A/H1N1, cúm B, H3N2 đa phần là lành tính, tự khỏi chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám ngay khi có diễn biến nặng để được tư vấn tốt nhất.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), các chủng cúm mùa thông thường như cúm A(H1N1), cúm A (H3N2) diễn biến thường nhẹ, bệnh khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên có một tỉ lệ nhất định vi rút cúm tấn công gây viêm phổi trầm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, vi rút cúm cũng có nguy cơ gây viêm cơ tim, nên ở các ca vi rút cúm tấn công phổi, tấn công cơ tim diễn biến bệnh nhân rất nặng.
Vì thế, khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi... mọi người vẫn thường tự điều trị triệu chứng ở nhà, sau vài ba ngày là bệnh lui. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường thì bệnh nhân nên đến viện để được kiểm tra. Đặc biệt khi có sốt cao lên sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm.
BS Cấp cũng cho biết thêm, vi rút cúm vào cơ thể gây suy giảm miễn dịch dễ dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên, một số trường hợp vi rút tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan tỏa rộng, diễn biến nhanh. Đây là căn bệnh dễ lây lan, nhất là trong những ngày thời tiết miền Bắc ẩm ướt như hiện nay, vi rút cúm có cơ hội tồn tại trong môi trường lâu hơn nên dễ lây truyền bệnh hơn. Do vi rút ở trong các giọt nhỏ nước bọt từ người bệnh bắn ra không khí, thời tiết ẩm, các giọt này lâu khô, vi rút tồn tại lâu hơn.
Vì là bệnh lây qua đường hô hấp, nên để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt; Khi đi đường, nên mang khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Còn khi đã nhiễm bệnh, nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến các nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người khác. Ngoài ra có điều kiện nên tiêm phòng vắc xin cúm để phòng ngừa căn bệnh này.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.
Bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào mùa xuân, độ ẩm cao trong không khí rất thuận lợi cho vi rút này lay lan. Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng nhiễm và lây lan vi rút cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Hồng Hải