Viêm hạch mạc treo - nguyên nhân gây ra cơn đau bụng mơ hồ ở trẻ
(Dân trí) - Viêm hạch mạc treo là tình trạng viêm các hạch bạch huyết ở mạc treo của ruột. Bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ với triệu chứng đau bụng và sốt cao. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa và có khả năng biến chứng.
Viêm hạch mạc treo ở trẻ em, bệnh thường gặp nhưng ít người biết
Bác sĩ Trần Thanh Hà, khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI cho biết, viêm hạch mạc treo là tình trạng các tuyến lympho trong ổ bụng (thường nằm trong mạc treo ruột) bị viêm phù nề và gây đau bụng âm ỉ, không kéo dài. Thông thường bệnh không nghiêm trọng và sẽ khỏi mà không cần điều trị.
Viêm hạch mạc treo là nguyên nhân gây đau bụng khá phổ biến ở trẻ em dưới 16 tuổi, và ít gặp ở người lớn. Đôi khi viêm hạch mạc treo khó chẩn đoán và phân biệt với những nguyên nhân gây đau bụng khác như viêm ruột thừa.
Triệu chứng lâm sàng, bao gồm: đau bụng thường cạnh rốn, đau âm ỉ, từng cơn kèm bụng chướng; nôn do kích thích thần kinh dạ dày ruột; có thể kèm theo đi ngoài hoặc táo bón; sốt, mệt mỏi.
"Có những trường hợp nhẹ, trẻ chỉ biểu hiện đau âm ỉ nhẹ rồi thường hết sau khi nằm nghỉ ngơi vài giờ. Viêm hạch mạc treo khó chẩn đoán xác định vì các triệu chứng không đặc hiệu và các hạch nằm sâu trong ổ bụng nên không thể sờ thấy. Vì thế chẩn đoán thường là loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây kiểu đau bụng như vậy, sau đó sẽ nghĩ đến chẩn đoán viêm hạch mạc treo", bác sĩ Hà cho biết thêm.
Theo bác sĩ Hà, không có xét nghiệm đặc hiệu để đưa ra chẩn đoán xác định của bệnh viêm hạch mạc treo. Tuy nhiên, những xét nghiệm sau đây có thể giúp chẩn đoán bệnh lý khác có thể gây đau bụng: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra có nhiễm trùng đường tiểu, siêu âm bụng hoặc CT scan. Đôi khi đặc điểm trên siêu âm hoặc CT scan cho thấy tuyến hạch phù nề điển hình có thể giúp hướng tới chẩn đoán viêm hạch mạc treo.
"Trên hình ảnh siêu âm thường phát hiện các hạch mạc treo ruột tăng kích thước, có thể thấy các quai ruột giãn, tăng nhu động. Dựa vào khám và siêu âm để phân biệt với viêm ruột thừa", bác sĩ Hà cho biết.
Những cơn đau bụng mơ hồ của trẻ, cẩn thận viêm hạch mạc treo
Bé H.P.K. (8 tuổi, Hà Nội) có biểu hiện đau bụng ở khu vực quanh rốn, sốt cao 38,5 độ C, triệu chứng kéo dài đã 2 ngày. Bé được ba mẹ cho đến thăm khám tại khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI. Các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm máu, đánh giá chức năng gan, thận… để loại trừ các nguyên nhân do viêm tụy.
Sau khi thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp Xquang ổ bụng phát hiện hạch mạc treo, vị trí gần hố chậu phải, kích thước 19x10mm, to hơn kích thước bình thường. Bác sĩ đã kết luận bé bị viêm hạch mạc treo cấp nên chỉ định nhập viện để theo dõi.
Trong thời gian điều trị viêm hạch mạc treo tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, 3 ngày đầu, bé K được truyền dịch, hạ sốt, sử dụng kháng sinh đường uống, vitamin tăng sức đề kháng, bù điện giải Oresol.
Bên cạnh những trường hợp trẻ bị viêm hạch mạc treo do vi khuẩn như bé K. tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm hạch mạc treo do virus.
Theo đó, bé N.T.H (5 tuổi - Hà Nội), cũng đến bệnh viện khám khi có những cơn đau bụng dữ dội. Gia đình lo lắng, sợ bé bị viêm dạ dày hoặc ruột thừa. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, siêu âm ổ bụng phát hiện hạch mạc treo kích thước 4,8x10,8mm. Bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hóa và có tình trạng viêm hạch mạc treo. Do không có yếu tố nhiễm khuẩn nên bé không cần nhập viện, cũng không cần uống kháng sinh mà chỉ cần một số loại hỗ trợ tiêu hóa.
Những trường hợp như bé N.T.H không hiếm gặp, nhưng khi bé xuất hiện những triệu chứng như đau bụng theo cơn, đau râm ran, hay đau dữ dội thì phần lớn đều nghĩ đến những bệnh lý khác thay vì nghi ngờ viêm hạch mạc treo. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán sớm, trong một số trường hợp bệnh sẽ có thể trở nên nguy hiểm.
Khi nào viêm hạch mạc treo ở trẻ trở nên nguy hiểm
Theo bác sĩ Hà, hạch bạch huyết có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch. Chúng chứa các tế bào bạch huyết, có chức năng làm bộ lọc hoặc bẫy giữ lại các phần tử ngoại lai, như vi khuẩn, virus, vi sinh vật gây bệnh khác,... giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Trong quá trình đó, các hạch gần nhất với nơi nhiễm trùng có thể trở nên đau và sưng lên. Các hạch khác cũng thường sưng lên nằm dưới cằm, ở nách và bẹn.
Viêm hạch mạc treo thường mắc riêng lẻ và hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu sưng hạch bạch huyết gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn nguy hiểm mà không được điều trị thì vi khuẩn có thể lây lan vào máu, gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng (nhiễm trùng huyết).
Nhiều hạch đỏ và sưng, có một ít dịch viêm rỉ ra ổ bụng. Khi nội soi xoang bụng có thể nhìn thấy sự tập trung các bạch cầu trung tính từ máu vào các xoang bạch huyết, thực bào vi khuẩn.
"Các bậc phụ huynh cũng cần cảnh giác với một số trường hợp, hạch mạc treo to nhanh, không đáp ứng với điều trị, có hình ảnh nghi ngờ hạch ác tính,... Lúc đó, người bệnh cần phải phẫu thuật, lấy mẫu hạch đi sinh thiết để kiểm tra về mặt mô học, từ đó mới có hướng điều trị chính xác nhất có thể", bác sĩ Hà chia sẻ thêm.
Sức khỏe chủ động là chuyên mục do báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.
Tháng 6 này, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI ưu đãi tới 50% dịch vụ nhi dành cho bé. Khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 55 88 92 để được tư vấn hoặc xem thêm tại đây.