Viêm gan C: Những hiểu lầm tai hại

Có không ít người đã ngộ nhận viêm gan C là “đàn anh” của viêm gan B và phải mắc viêm gan B thì mới có nguy cơ bị viêm gan C. Chính vì hiểu trật lất như vậy nên đã thiếu những ứng xử đúng đắn với siêu vi này, dẫn đến nguy hiểm cho bản thân.

Viêm gan C: Những hiểu lầm tai hại - 1


Một bệnh nhân khá lớn tuổi đến gặp tôi tại phòng khám viêm gan của bệnh viện đại học Y dược trong một tâm trạng rất lo lắng vì mới nhận được kết quả xét nghiệm Anti-HCV dương tính và men gan tăng. Ông kể cách đây 20 năm, ông bị xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày và đã được truyền hai đơn vị máu. Ông thắc mắc tại sao từ đó đến nay, vẫn cảm thấy khoẻ mạnh mà nay lại đột nhiên kết luận bị viêm gan siêu vi C mạn tính.

 

Viêm gan sao không vàng da?

 

Thật ra, mãi đến năm 1989, người ta mới phát hiện được những trường hợp bị viêm gan xảy ra sau khi truyền máu là do một loại siêu vi khuẩn được đặt tên là siêu vi viêm gan C gây ra (sau đây gọi tắt là viêm gan C). Chính vì vậy những trường hợp truyền máu trước năm 1990 như bệnh nhân nói trên vẫn có nhiều nguy cơ bị nhiễm viêm gan C. Đây là một loại siêu vi khuẩn có cấu tạo và khả năng gây bệnh hoàn toàn khác với siêu vi A và B. Do đó, không phải bị nhiễm siêu vi A hoặc B lâu ngày thì sẽ tiến triển thành siêu vi C. Người ta ước tính có khoảng hơn 200 triệu người đã bị nhiễm viêm gan C trên toàn thế giới.

 

Trước kia, viêm gan C chủ yếu lây qua đường truyền máu hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân mà da niêm của chúng ta bị trầy xước hoặc bị đâm thủng. Hiện nay, nhờ các xét nghiệm tầm soát và sàng lọc ở những người cho máu nên tỷ lệ lây nhiễm sau truyền máu đã giảm đáng kể. Đường lây bệnh quan trọng hiện giờ là do dùng chung kim và ống tiêm. Hơn 60% những người chích xì ke đã bị nhiễm viêm gan C. Ngoài ra, viêm gan C còn lây qua đường tình dục, từ mẹ truyền sang con trong lúc sinh nhưng mức độ lây nhiễm ít hơn viêm gan B gấp 10 lần. Ngoài ra, bệnh còn bị lây nhiễm do châm cứu, xâm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu... của người bệnh. Vấn đề lây nhiễm trong bệnh viện cũng đáng được quan tâm (do phẫu thuật, nội soi, chữa răng, nạo thai... mà dụng cụ không được khử trùng đúng cách). Cũng nên lưu ý, có khoảng 20 - 40% trường hợp bị viêm gan C nhưng không biết nguồn lây rõ ràng.

 

Viêm gan C thường ít gây ra triệu chứng viêm gan cấp và điển hình cho nên đa số bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Nếu có, cũng là những triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hoá, đau tức dưới sườn bên phải. Rất ít khi có vàng da. Việc phát hiện bệnh thường là tình cờ khi đi xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khoẻ. Nhiều lúc, bệnh cứ tiến triển âm thầm đến khi phát hiện thì đã bị xơ gan hoặc ung thư gan. Do vậy, việc khám sức khoẻ và xét nghiệm máu định kỳ là rất cần thiết để phát hiện bệnh sớm.

 

Viêm gan C có điều trị hết?

 

Một trong những đặc điểm quan trọng của viêm gan C là đa số bệnh nhân sẽ không có khả năng loại trừ siêu vi ra khỏi cơ thể và họ sẽ trở thành người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong số đó, 25% bệnh nhân có men gan hoàn toàn bình thường trong nhiều năm và họ được gọi là “người mang siêu vi C mạn tính không triệu chứng”.

 

Số bệnh nhân còn lại có viêm gan mạn tính tiến triển chậm, men gan có lúc tăng, lúc giảm về bình thường. Do vậy, bệnh nhân thường chủ quan không chịu theo dõi bệnh thường xuyên. Sau 10 - 20 năm, ít nhất có 20% số bệnh nhân viêm gan C mạn tính tiến triển sang xơ gan rồi thành ung thư gan. Xơ gan có thể xảy ra sớm hơn nếu như bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc bị nhiễm thêm các loại siêu vi khác như siêu vi B, D, HIV...

 

Một điều may mắn là bệnh viêm gan C có thể chữa thành công trên 50% trường hợp nếu được điều trị đúng cách. Phác đồ điều trị tối ưu hiện nay là sử dụng kết hợp Peg-interferon (Pegasys hoặc Peg-Intron) với ribavirine. Peg-interferon là loại thuốc dùng tiêm dưới da, mỗi tuần một lần. Còn ribavirine là loại thuốc uống mỗi ngày. Thời gian điều trị phải kéo dài từ 6 đến 12 tháng tuỳ từng trường hợp. Trước kia, người ta dùng loại thuốc interferon thông thường, tiêm ba lần mỗi tuần, có chi phí thấp hơn nhưng chỉ đạt được hiệu quả dưới 30%.

 

Quá trình điều trị có thể sẽ đem lại một số tác dụng phụ. Interferon có thể gây các triệu chứng giống cảm cúm như mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau xương khớp, đau mình mẩy. Các triệu chứng này chỉ xảy ra trong vài tuần đầu điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị chán ăn, rụng tóc, trầm cảm, giảm số lượng các tế bào máu... Ribavirine gây ho, ngứa, mất ngủ, thiếu máu, có thể ảnh hưởng đến thai cho nên tuyệt đối phải áp dụng các phương pháp ngừa thai trong suốt thời gian điều trị. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được khắc phục bằng những biện pháp điều trị bổ sung và nâng đỡ thể trạng. Tuỳ từng loại triệu chứng mà các bác sĩ sẽ có những cách điều trị thích hợp.

 

Người bệnh cũng cần thực hiện một chế độ ăn uống điều độ và cân đối. Không nên kiêng khem quá mức sẽ gây suy dinh dưỡng. Rượu bia cần phải hạn chế. Nếu đã bị xơ gan thì phải bỏ rượu hoàn toàn. Các sinh hoạt thông thường hàng ngày vẫn nên tiếp tục. Cần tập thể dục, thể thao vừa sức để tăng cường sức khoẻ.

 

Có thể phòng ngừa viêm gan C?

 

Rất tiếc là bệnh viêm gan C hiện không có thuốc chủng ngừa, do vậy các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là ngăn chặn sự lây lan của siêu vi theo đường máu hoặc tiếp xúc với da niêm như không chích xì ke, không dùng chung kim và ống tiêm, không dùng chung các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm cắt móng tay... Người bị viêm gan C tuyệt đối không được hiến máu. Viêm gan C không lây lan qua đường ăn uống và các tiếp xúc thông thường nên không cần thiết phải ăn uống riêng hoặc cách ly người bệnh.

 
Theo TS.BS Bùi Hữu Hoàng

SGTT