Việc truy vết phải thực hiện nhanh trước sự nguy hiểm của biến chủng Delta

Trần Lê

(Dân trí) - Do thời gian nhân lên và lây lan của biến chủng Delta nhanh, từ lúc nhiễm đến lúc bệnh nặng cũng nhanh, nên công tác truy vết phải nhanh, người dân phải nâng cao cảnh giác hơn nữa.

Đó là những chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa về biến chủng Delta.

"Lâu nay, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã thông tin rất nhiều về biến chủng Delta. Theo tôi được biết, virus SARS-CoV-2 theo thời gian có nhiều biến chủng, nhưng hiện nay, chủng đang lưu hành tại Việt Nam phổ biến là chủng Delta", bác sĩ Tiến cho biết.

Việc truy vết phải thực hiện nhanh trước sự nguy hiểm của biến chủng Delta - 1

Các ca bệnh Covid-19 tại Thanh Hóa hầu hết là xâm nhập từ các tỉnh, thành. 

Cũng theo bác sĩ Tiến, sự nguy hiểm của chủng Delta ở chỗ là thời gian nhân lên nhanh, vòng đời của virus nhân lên rất nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, thời gian khởi phát từ lúc bị nhiễm bệnh cho đến lúc bệnh nặng cũng nhanh. Thường chỉ trong vòng khoảng 2 ngày đã có một chu kỳ lây nhiễm. Sau khi nhiễm 48 tiếng, người nhiễm có thể thải ra virus để truyền cho người khác.

"Như vậy, công tác truy vết F1, F2… cần phải tiến hành nhanh, "thần tốc". Cho nên, hệ lụy đầu tiên khi phát hiện ra ca F0, nếu không tiến hành truy vết được thì nó sẽ lây lan ra cộng đồng rất rộng.

Hệ lụy thứ hai là ảnh hưởng đến sức khỏe, tiến triển bệnh trên cơ thể người mắc rất nhanh. Ngày trước, virus SARS-CoV-2 từ lúc nhiễm bệnh cho đến lúc bệnh nặng thông thường từ 7 - 10 ngày. Nhưng riêng biến chủng Delta tấn công người bệnh, gây ra tổn thương bệnh lý trên cơ thể và có thể nặng sớm hơn, từ 5 - 7 ngày là có thể bệnh nặng rồi", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Trước sự nguy hiểm của biến chủng Delta, theo bác sĩ Tiến, nếu chủ quan thì sẽ trở tay không kịp. Cả người dân và cán bộ y tế cũng phải nâng cao hiểu biết để có chiến lược xử lý khác so với các biến chủng trước đây.

Về khả năng làm nặng bệnh của biến chủng Delta so với các biến chủng trước theo bác sĩ Tiến là tương đương, không nhiều hơn. Nhưng chính vì chủng Delta lây lan nhanh nên số ca bệnh trong cộng đồng xuất hiện rất nhanh, nên dễ gây ra quá tải cho ngành y tế. Tỷ lệ tử vong cao lên là do các cơ sở y tế không đáp ứng được, dẫn đến quá tải.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo: "Đối với người dân, số một vẫn phải là tuân thủ "5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tất cả các quy định về phòng, chống dịch phải thực hiện tốt. Hiện nay, khi có triệu chứng về đường hô hấp, kể cả không có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch về thì vẫn phải đến cơ sở y tế để được khám, xác định xem do nguyên nhân gì. Người bệnh có thể bị viêm đường hô hấp thông thường, cũng có thể do nhiễm virus SARS-CoV-2".

Tại Thanh Hóa, các bệnh nhân mắc Covid-19 hiện đang được tập trung điều trị tại Bệnh viện Covid-19 số một, là Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Liên quan đến tỉnh hình dịch và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thanh Hóa, ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh này cho biết Thanh Hóa đã ghi nhận 167 ca mắc Covid-19, chủ yếu là ca xâm nhập từ các tỉnh, thành khác về.

Tỉnh Thanh Hóa đã liên tục có các công điện về phòng, chống dịch, đều nhấn mạnh trước biến chủng Delta toàn cầu và trong nước, người dân phải hết sức cảnh giác, thực hiện đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt là 5K.

Cũng theo ông Trương, tại Thanh Hóa chưa thực hiện Chỉ thị 15 và 16, hiện địa phương chỉ cấm hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, trong nhà; cấm bán hàng ăn tại chỗ; hạn chế tập trung đông người; đeo khẩu trang nơi công sở, nơi tập trung đông người, giao thông công cộng…

"Chúng tôi đã và đang tham mưu cho tỉnh thực hiện các công điện về phòng, chống dịch. Công tác tuyên truyền luôn được đặt lên hàng đầu, nhắc nhở người dân đặc biệt phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch", ông Trương chia sẻ.