1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao Việt Nam chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm dù tiêm vaccine nhiều?

Nam Phương

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua. Số trường hợp nặng, nguy kịch cũng tăng hơn 37% so với tháng trước.

Những ngày qua số ca Covid-19 tại nước ta tăng vọt 100.000-150.000 ca mỗi ngày. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 96 ca.

Theo Bộ Y tế, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua. Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng hơn 37% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày.

WHO: Còn quá sớm để cho rằng đại dịch sắp kết thúc

Hiện nay trên thế giới, một số quốc gia trên thế giới đã mở cửa hoàn toàn, dỡ bỏ các quy định hạn chế, thậm chí không cần đeo khẩu trang. Trong nước, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên coi Covid-19 là một bệnh lưu hành, giống như bệnh cúm thông thường.

Về vấn đề này, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho biết có nhiều kịch bản khác nhau về cách đại dịch có thể diễn ra và cách mà giai đoạn cấp tính có thể kết thúc - nhưng còn quá sớm để cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc đại dịch sắp kết thúc. Mỗi quốc gia ở trong một tình trạng riêng và phải vạch ra con đường thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch bằng một cách tiếp cận thận trọng, từng bước.

Vì sao Việt Nam chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm dù tiêm vaccine nhiều? - 1

Số ca mắc Covid-19 tại nước ta liên tục tăng cao trong những ngày gần đây.

"Sẽ không có lối thoát trừ khi chúng ta đạt được mục tiêu chung toàn cầu là tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm nay. Chúng ta phải tiếp tục tiêm chủng cho tất cả những ai đủ điều kiện - tiếp cận những người chưa được tiếp cận và không bỏ lại ai", TS Park nhấn mạnh.

Theo ông, điều cần thiết bây giờ là sử dụng tất cả các công cụ hiện có để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Ở cấp độ cá nhân, mỗi người phải thực hiện tất cả: tự bảo vệ mình bằng cách tiêm chủng, giữ khoảng cách an toàn, tránh nơi đông người, đeo khẩu trang, giữ cho không gian trong nhà được thông thoáng, rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho và hắt hơi.

WHO tiếp tục làm việc trong phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu để cung cấp bằng chứng, chiến lược, công cụ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật và vận hành mà các quốc gia cần để chấm dứt đại dịch.

Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành"

Bệnh lưu hành hay một số chuyên gia còn gọi là "bệnh đặc hữu" là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định. 

Một bệnh trở thành bệnh lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau:

- Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh.

- Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh.

- Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định.

- Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Vì sao Việt Nam chưa thể coi Covid-19 như bệnh cúm dù tiêm vaccine nhiều? - 2

Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn.

Theo Bộ Y tế, trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày. Con số này cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. 

Hiện nay, các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành (endemic). Về vấn đề này, Cục Y tế dự phòng đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

"Trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành"", Bộ Y tế khẳng định. 

Thứ nhất, trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tuy vậy dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".

Thứ 2, tỷ lệ mắc chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thứ 3, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Thứ 4, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm. Do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

"Già, bệnh nền là yếu tố gia tăng nguy cơ tử vong, nhưng nếu không mắc Covid-19 họ sẽ không tử vong. Không có bệnh dịch nào mà mỗi ngày chết hơn chục ca. Vì thế, chúng ta vẫn cần kiểm soát, trường hợp nào cần thiết phải nhập viện điều trị, giảm nguy cơ tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết. 

Ông khuyến cáo người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập... 

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TPHCM thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron. Biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%. Tại TPHCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen.