1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao trẻ Việt Nam bị xếp vào nhóm “thấp bé nhẹ cân” nhất thế giới?

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Một nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Trẻ em Việt Nam luôn thấp, bé hơn so với nhiều trẻ ở các nước trong khu vực ( ảnh MH)

Trẻ em Việt Nam luôn thấp, bé hơn so với nhiều trẻ ở các nước trong khu vực ( ảnh MH)

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoại trừ yếu tố về gen, còn 3 yếu tố khác có ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng về chiều cao, cân năng của người Việt Nam. Điều đáng nói, trong 3 yếu tố này, có đến 2 yếu tố là do sự tác động liên qua đến môi trường giáo dục trẻ em của phụ huynh và nhà trường.

 

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốcTrung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết, 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao, cân nặng đó chính là dinh dưỡng, vận động, môi trường.

 

Trong 3 yếu tố trên, yếu tố dinh dưỡng và vận động đang có sự tác động của môi trường giáo dục, góp phần làm cho thể trạng người Việt Nam thấp, bé hơn so với các nước khác.

 

Từ ảnh hưởng dinh dưỡng

 

Bà Diệp phân tích, với xứ nhiệt đới như ở Việt Nam, trẻ ăn sáng vào thời điểm từ 6 giờ đến 7giờ là hợp lý nhất, bảo đảm việc hấp thu dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều trẻ phải dậy từ rất sớm, ăn sớm hơn khoảng thời gian đó với lý do để đi học đúng giờ.

 

Theo bà Diệp, hiện nay, giờ học của các trường ở TP.HCM, nhất là các trường tiểu học từ 7h đến 7h30 là tương đối hợp hợp lý, nhưng khoảng cách mà nhiều học sinh từ nhà đến trường hiện nay còn quá xa. Nhiều bậc phụ huynh phải đưa con đi từ rất sớm, 5 hay 6 giờ sáng, buộc các em phải ăn sáng sớm hơn so với giờ ăn hợp lý.

 

Dù ngành giáo dục đang thực hiện bố trí trường học theo hộ khẩu thường trú của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh đến trường thuận lợi, không mất thời gian. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường tiểu học ở TP.HCM, nhất là các trường có chất lượng cao luôn trong tình trạng quá tải, nhiều trẻ không thể học đúng tuyến, phải chuyển đi rất xa.

 

Cụ thể nhất, ở trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2 (thuộc xã Vĩnh Lộc A,huyện Bình Chánh, TP.HCM). Trường này nằm ở địa bàn ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, lẽ đương nhiên các học sinh ở ấp 3 sẽ học ở trường này, nhưng do lượng học sinh ở đây rất đông, các em học sinh bước vào tiểu học ở khu vực này lại được phòng giáo dục huyện chuyển lên tận trường Tiểu học Võ Văn Vân (ở xã Phạm Văn Hai) - cách khu vực ở của học sinh hơn 10km.

 

Trong khi đó, các trẻ em ở quận nội thành TPHCM, nhiều gia đình lại chọn cho con mình học ở những trường được xem là “chất lượng cao”,chấp nhận xa nhà, thay vì học trường đúng tuyến ở gần nhà.

 

Nhiều trẻ nhà ở cách xa trường phải đi học rất sớm, khiến cho giờ  ăn sáng của trẻ không hợp lý

Bác sĩ Diệp kể, có một cháu bé là bệnh nhân của chị, nhà ở tận đường Trường Chinh, quận 12, TPHCM nhưng lại được phụ huynh cho học ở quận 1, cách xa nhà hàng chục km.

 

Còn phụ huynh này thì làm ở quận 10. Khi đó, đứa bé tan trường phải chờ phụ huynh từ quận 10 đến quận 1 đón. Mỗi ngày đứa bé này phải dậy rất sớm để ăn sáng và đi học cho kịp đúng giờ, nên bé bị mất sức, suy dinh dưỡng do ăn uống không đảm bảo.

 

“Ở Việt Nam, thường thời điểm mặt trời mọc lên là khoảng 6 giờ đến 7giờ, đó là thời điểm cho trẻ ăn sáng hợp lý nhất. Về mặt dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ kéo dài không quá 30 phút. Như vậy, nếu cộng thêm thời gian ăn thì gần đúng với giờ học của trẻ. Do đó, những trẻ phải học ở cách xa nhà cả chục cây số, buộc phải dậy sớm, ăn sáng sớm.

 

Điều này khiến bữa ăn của trẻ không hấp thụ tốt, hoặc bé ăn ít dẫn đến bệnh và suy dinh dưỡng. Hậu quả về lâu về dài là những đứa trẻ này sẽ kém phát triển về thể chất, nhất là chiều cao, cân năng”, bà Diệp cho biết.

 

Bên cạnh đó, một đứa trẻ trong độ tuổi  học tiểu học, theo bác sĩ Diệp, thời  gian ngủ trong ngày phải bảo đảm 9 tiếng đồng hồ, trong đó phải có 1 giờ ngủ trưa. Thế nhưng hiện nay, nhiều trẻ học tiểu học phải thức quá khuya đến 11 giờ, thậm chí đến 12 đêm nên chỉ ngủ được khoảng 6 tiếng trong đêm.

 

Thời gian ngủ trong ngày không đảm bảo, khiến cho trẻ chậm phát triển hơn và phát triển không toàn diện.

 

Đến ảnh hưởng vận động

 

Cũng theo bác sĩ Diệp, thực tế cách quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình hiện nay khiến trẻ gần như rất ít vận động. Một đứa trẻ, nhất là trẻ em mầm non và tiểu học bán trú đều được giáo viên, bảo mẫu chăm sóc một cách thái quá. Trong bữa ăn, các trẻ ở đây, không chỉ được các giáo viên, bảo mẫu bưng bê đồ ăn, thức uống đến tận nơi mà con móm, đút cho các em.

 

Việc làm này khiến trẻ mất đi tính vận động và cả tính tự lập. Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể trạng của các em, đồng thời làm mất đi cả sự tự giác, tính tự lập của trẻ.

 

Môi trường giáo dục hiện nay đang tạo điều kiện cho trẻ ít vận động , góp phần làm suy giảm thể trạng của trẻ.

 

Bác sĩ Diệp cho biết, nhiều trường tiểu học ở Thái Lan, các học sinh đến giờ ăn là phải tự lấy thức ăn và tự ăn. Các giáo viên, bảo mẫu chỉ là người trực tiếp đứng quan sát, hướng dẫn, chứ không làm thay việc đó cho các em.

 

Đó là chưa kể, nhiều học sinh đã học đến cấp 2, 3, các bậc phụ huynh còn phải đưa đón.

 

Bà Diệp cho rằng, việc đưa đón là con là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và muốn con mình được an toàn, nhưng các bậc phụ huynh lại vô tình tạo cho những đứa trẻ thiếu sự vận động. Đây là một trong những yếu tố khiến trẻ giảm đi sự phát triển về thể trạng của mình.

 

Bỏ qua yếu tố về gen, bà Diệp chốt vấn đề, thể trạng của người Việt Nam thấp, bé hơn so với các nước trong khu vực là do chế độ dinh dưỡng, vận động chưa phù hợp và môi trường sống chưa thuận lợi. Trong đó, chế độ dinh dưỡng và vận động chưa phù hợp đang chịu sự tác động từ đến từ dạy và học của nhà trương và gia đình.

 

Cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi

 

Vào đầu tháng 8.2014 vừa qua, tại hội nghị “Dinh dưỡng trẻ em: tiếp cận từ cộng đồng, trường học và bệnh viện” do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và Hội Dinh dưỡng TP.HCM phối hợp tổ chức, GS.TS Lê Thị Hợp - chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có khoảng 2,2 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tức cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

 

Chiều cao trung bình của người dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nam mới đạt chiều cao 1,65m, nữ đạt 1,54m. Điều này là do suy dinh dưỡng thể thấp còi lúc 3 tuổi, ảnh hưởng đến chiều cao khi trưởng thành (18 tuổi). Trẻ không bị suy dinh dưỡng luôn có chiều cao hơn hẳn (cao1,71m) so với trẻ suy dinh dưỡng nặng (luôn dưới 1,6m)

 

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới.

 

Theo Hồ Quang

Một thế giới