1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao không nên “cầm” tiêu chảy ở trẻ?

(Dân trí) - Tại các khoa khám nhi, tỉ lệ trẻ đến khám vì tiêu chảy, nôn vọt chiếm đến gần nửa. Hàng loạt trẻ phải nhập viện vì nôn vọt quá nhiều khiến việc bù nước khó khăn, trẻ mệt lả vì mất nước. Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), 30% số trẻ phải nhập viện trong thời điểm này là vì nôn vọt, tiêu chảy nghi rota vi rút.

Nôn nhiều bất thường!

PGS.TS  Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tại khoa hiện tại, số bệnh nhi nhập viện vì nôn vọt, tiêu chảy là phổ biến nhất, chiếm hơn 30% số bệnh nhi phải nhập viện. Khám ngày, khám đêm bệnh nhi tiêu chảy đều chiếm chủ yếu.

S
Trẻ đến khám, nhập viện thời điểm này chủ yếu là tiêu chảy, nôn vọt. Ảnh: H.Hải
Trẻ đến khám, nhập viện thời điểm này chủ yếu là tiêu chảy, nôn vọt. Ảnh: H.Hải

Tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần nay và đến giờ vẫn chưa giảm đi. Đáng nói, các bệnh nhi vào khám đều trong tình trạng nôn rất nhiều khiến việc bù nước gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ định nhập viện tăng lên, do không thể bù nước cho trẻ bằng đường uống.

Sáng 8/1, thấy con gái 5 tuổi nôn, sốt và kêu đầy bụng, chị Nguyễn Mỹ Dung (Tôn Thất Tùng) đã đưa con đến khoa Nhi BV Bạch Mai khám được chẩn đoán tiêu chảy nghi rota vi rút. Bác sĩ cũng rất lưu ý tình trạng nôn của con. Chị Dung đã mua oresol bù nước cho con nhưng bé nôn vọt liên tục, cứ uống một ngụm lát sau lại nôn. Bé kêu đói, khát nước nhưng cứ uống vào lại nôn.

“Chiều 8/1 thấy con cứ nằm bẹp, mình đã cẩn thận gọi bác sĩ đến nhà khám, vẫn cố bù dịch cho con bằng đường uống. Thấy con không đứng dậy được vì chân bủn rủn, không dám chờ bác sĩ nữa, hai mẹ con vội cắp nhau đến BV Đại học Y ngay gần nhà. Bé phải truyền 3 chai nước, đến khoảng 2h sáng nay thì được về nhà, tỉnh táo hẳn, đỡ sốt cao”, chị Dung cho biết.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các bác sĩ khi khám lâm sàng cũng nhận thấy trẻ có nôn vọt nhiều hơn so với bình thường, vì thế bù nước đường uống khó khăn hơn. Dù đã hướng dẫn bù nước từng chút một nhưng nhiều trường hợp vẫn thất bại vì trẻ nôn quá nhiều nên phải nhập viện truyền dịch.

Tại BV Nhi Trung ương, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV cũng cho biết, trẻ nhập viện vì các bệnh nôn vọt tiêu chảy, viêm đường hô hấp cũng là phổ biến nhất trong thời điểm này.

“Đáng nói, năm nay hầu hết trẻ đều có chung đặc điểm là sốt, nôn, ho rồi mới tiêu chảy nên nhiều trường hợp cha mẹ vẫn nhầm lẫn con bị nôn do viêm họng, ho nên không nghĩ đến nguy cơ mất nước để bù dịch cho con”, TS Dũng nói.

Trong khi đó, nôn gây mất nước không kém gì tiêu chảy. Vì thế, ngay từ khi con có dấu hiệu nôn là đã cần bắt đầu bù nước bằng oresol qua đường uống. Thông thường sau 1 - 2 ngày nôn trẻ mới bắt đầu bị đi ngoài và khi đã đi ngoài thì số lần nôn sẽ giảm xuống.

Chớ dại “cầm” tiêu chảy

Theo TS Dũng, người Việt có một quan điểm gần như mặc định, đi ngoài thì phải “cầm” tiêu chảy thì mới khỏi, mới đỡ bị mất nước. Vì thế, cứ thấy trẻ bị đi ngoài là một loạt các biện pháp lại được áp dụng, như cho trẻ uống các loại kháng sinh Becberin, Biseptol và các thuốc cầm tiêu chảy, kiêng khem không cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn cháo trắng, cho trẻ ăn, uống nước các loại lá và quả chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... ngay lập tức sẽ có tác dụng cầm ỉa. Vì chất Tanin có tác dụng làm săn màng ruột, giảm số lần đi ngoài ngay tức khắc.

Nhưng với tiêu chảy do rota vi rút cũng như tiêu chảy do vi khuẩn, nấm, hóa chất…  việc ngăn cơ chế đưa chất thải ra khỏi cơ thể theo các phương pháp này lại gây rất nhiều nguy cơ. Bởi thực chất, bệnh chỉ đỡ giả tạo, giảm số lần đi ngoài và thực tế thì các tác nhân gây tiêu chảy như vi rút, vi khuẩn, nấm, hoá chất... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.…

Chỉ riêng với tiêu chảy do vi rút, việc giảm số lần tiêu chảy sẽ khiến bụng trẻ càng chướng lên, không “thoát” ra ngoài được bằng đi ngoài, trẻ sẽ càng bị nôn vọt do đầy bụng. Trong khi đó, nôn gây mất nước không kém gì tiêu chảy.

 TS Dũng cho biết, tiêu chảy mùa đông do rota vi rút gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3 - 7 ngày. Trẻ bị tiêu chảy mùa đông thường có các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, hơi mệt, nôn, tiêu chảy…Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Lúc này, việc làm đúng nhất là bù nước đúng cách cho trẻ bằng oresol, sau vài ba ngày vi rút được loại thải ra ngoài trẻ sẽ hết bệnh.

Nhưng phải bù nước như thế nào khi cứ uống vào là trẻ bị nôn? Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, đặc biệt lưu ý cha mẹ không được nôn nóng, sốt ruột cho trẻ uống oresol liên tục vì như thế sẽ càng phản tác dụng: trẻ bị kích thích lại nôn.

Hãy bình tĩnh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chỉ cho trẻ uống từng thìa nhỏ một, lúc lại một thìa sẽ giảm nguy cơ nôn. Với trẻ nôn ít, thì cứ 1 - 2 phút cho uống một ngụm (hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ). Còn nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ). Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Sau cơn nôn, để con bình tĩnh lại, lại từ từ, kiên nhẫn từng ngụm oresol. 

Tuy nhiên bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý cha mẹ phải theo dõi đáp ứng của trẻ. Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn quá nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, kêu khát nước, đái ít…) thì nên cho trẻ đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.

Theo TS Dũng, với thời tiết miền Bắc như hiện nay, dịch tiêu chảy vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó chưa có thuốc đặc trị rota vi rút mà cơ thể phải tự kháng lại. Tiêu chảy rất dễ lây qua dịch nôn, phân… vì thế cần vệ sinh, rửa tay xà phòng sạch sẽ, lau sạch dịch nôn bằng dung dịch tiệt trùng để phòng nguy cơ lây tiêu chảy rota vi rút cho cả gia đình.

Hồng Hải