Vì sao Hà Nội không cách ly ngay người đàn ông từ Nhật về dù ho, sốt?
(Dân trí) - Người đàn ông 37 tuổi trở về từ Nhật, khi đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) có nguyện vọng cách ly nhưng không được đáp ứng. Theo cơ quan chức năng việc không cách ly y tế với trường hợp trên là đúng.
Một lãnh đạo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, việc xử lý của cán bộ kiểm dịch y tế tại cửa khẩu trong tình huống trên là là đúng. Lý do vì hành khách đã được kiểm tra y tế nhưng không có biểu hiện liên quan đến bệnh Covid-19 và không thuộc đối tượng phải cách ly. Vì thế trường hợp trên được cho nhập cảnh và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe.
“Trường hợp này khi có biểu hiện nghi ngờ thì mới tiến hành cách ly”, lãnh đạo CDC Hà Nội nói.
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tay chưa có quy định bắt buộc cách ly đối với các hành khách trở về từ Nhật Bản như đối với khách về từ Hàn Quốc. Trường hợp này cũng không tiếp xúc gần với các ca nhiễm Covid-19 tại nơi sinh sống nên không thuộc diện cách ly tập trung.
Hiện kết quả xét nghiệm khẳng định hành khách trên âm tính với Covid-19.
Trước đó, theo lời khai của hành khách trên, vào ngày 6/3, anh bắt đầu có những biểu hiện ho, đau họng, tức ngực, khó thở. Trong vòng bán kính 1 km quanh khu vực anh H. sinh sống ở Nhật Bản có 5 người nhiễm Covid-19. Lo sợ bản thân có thể nhiễm, anh H. đến một bệnh viện ở Nhật Bản để kiểm tra.
Bệnh viện không tiếp nhận nên anh gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhờ hỗ trợ. Phía đại sứ quán khuyên tôi trở về Việt Nam.
Khi về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), anh đã thực hiện khai báo y tế và muốn được cách ly nhưng không được. Không hết lo sợ, anh đã gọi điện về nhà nhờ người thân báo với cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An để sớm được cách ly.
Ngay trong đêm, Sở Y tế Nghệ An phối hợp với công an, quân đội tổ chức chốt chặn ở đầu TP Vinh. Đến khoảng gần 0h ngày 12/3, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã đón được chiếc xe, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, lời khai y tế của anh H. để gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kiểm tra, đồng thời đưa toàn bộ người có mặt trên xe đến địa điểm cách ly theo quy định.
Theo thống kê đến sáng ngày 13/3, thế giới ghi nhận 132.936 ca mắc Covid-19, trong đó riêng tại Trung Quốc đại lục là 80.793 ca. 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc với 52.143 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong: 4.952, trong đó tại Trung quốc đại lục: 3.169, tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ khác là 1.783.
Nhật Bản hiện ghi nhận 691 ca mắc, 19 người tử vong. Trong khi con số này tại Ý là 15.113 ca mắc và 1.016 người tử vong, Tại Iran là 10.075 ca mắc, 429 tử vong, tại Hàn Quốc là 7.869 ca mắc, 66 người tử vong…
Tại Việt Nam đến nay ghi nhận 44 ca nhiễm Covid-19. Trong số này 16 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 2.628; tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 268. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 28.979 (trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 440; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.557; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 16.982). Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 4.588 (số mẫu dương tính: 44, số mẫu âm tính: 4.544).
Bộ Y tế khuyến, khi có biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở; người dân cần làm những việc sau:
- Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;
- Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…
- Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;
- Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.
Nam Phương