1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao điều trị cho trẻ biếng ăn khó?

(Dân trí) - Có những đứa bé thực sự ăn vừa đủ theo tuổi và kích cỡ cơ thể của nó nhưng do nhận thức sai lầm của ba mẹ, cứ tưởng nó biếng ăn và việc điều trị không đúng cách làm trẻ trở thành biếng ăn thật.

  

Vì sao điều trị cho trẻ biếng ăn khó? - 1

Để bé ham ăn không đơn giản...

Con biếng ăn, bổ sung ngay enzym tiêu hóa

 

Có thể bắt gặp rất nhiều câu hỏi kiểu “Con trai tôi được 10 tháng tuổi, cân nặng 9kg, chiều cao 75cm, như vậy bé có bị suy dinh dưỡng không?”,  “Con gái tôi được 5 tháng tuổi, nặng 10kg, cao 77cm, xin hỏi chiều cao và cân nặng như vậy có đủ chuẩn không?... và câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng đương nhiên là: “Chiều cao, cân nặng của cháu bình thường, trong mức cho phép”.

 

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh này vẫn mong muốn bác sĩ tư vấn để làm sao con bớt lười ăn, ăn nhanh hơn… bởi họ đã dùng nhiều cách, từ thay đổi chế độ ăn, tỏ thái độ đến dùng các loại thuốc, men tiêu hóa hỗ trợ mà không ăn thua.

 

Điều này giải thích tại sao, chỉ cần vào google và gõ chữ “điều trị chứng biếng ăn của trẻ”, ngay lập tức sẽ hiện lên hàng trăm nghìn bài viết liên quan đến chủ đề này. Nó chứng tỏ đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm nhiều gia đình và xã hội. Và không ngạc nhiên khi ỷ lệ trẻ biếng ăn ở Việt Nam được công bố là chiếm tới 38%.

 

Tuy nhiên, có một sự thật là rất nhiều các bậc phụ huynh sau khi nghe những lời tư vấn từ các chuyên gia hay thậm chí là cả các cơ sở y tế về dinh dưỡng đã tỏ ra thất vọng vì không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì sao vậy?

 

Trong số các phương pháp điều trị chứng biếng ăn của trẻ đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông cho thấy, có một tỷ lệ lớn gợi ý về việc cần bổ sung các enzym tiêu hóa.  
 
Chẳng hạn như: Trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh…Các enzym tiêu hóa được tiết ra ít, chưa đủ để thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn. Điều này gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như bị đầy hơi, chướng bụng, ăn vào lại ói ra, ăn không tiêu dẫn đến biếng ăn. Chính vì vậy, cần cải thiện tình trạng tiêu hóa ở trẻ bằng việc cung cấp các enzym tiêu hóa giúp phân rã, tiêu hóa hết lượng thức ăn trong bụng trẻ, làm trống ống tiêu hóa, tạo cho trẻ cảm giác nhanh đói…

 

Hoặc là “dùng men tiêu hóa là một trong những vũ khí lợi hại”; “Các bà mẹ cần dùng đến sự hỗ trợ của men tiêu hóa vì nó giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, làm cho trẻ chóng đói, muốn ăn và ăn ngon miệng… Điều đó khiến cho nhiều người có sự liên tưởng rằng khi biếng ăn là phải nghĩ đến việc bổ sung enzym tiêu hóa!

 

Đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy “tầm quan trọng” của các enzym tiêu hóa đối với chứng biếng ăn trên các phương tiện truyền thông. Và đằng sau nhiều tư vấn đó, đã được các doanh nghiệp khéo léo tận dụng để lồng ghép “sản phẩm” của mình.

 

“Hầu hết là do sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng”

 

Không phủ nhận những lợi ích mang lại từ việc sử dụng các sản phẩm chứa enzym tiêu hóa, song điều quan trọng là để điều trị chứng biếng ăn của trẻ thì cần phải tìm đúng nguyên nhân.

 

Một vị giáo sư có uy tín trong lĩnh vực nhi khoa ở Việt Nam cho rằng: hiện nay, nhiều cơ sở tư vấn và điều trị chứng biếng ăn ở Việt Nam đã có phần lạm dụng các enzym tiêu hóa. Và việc điều trị như vậy trên thực tế nhiều trường hợp là không đúng. Trên thực tế, có thể do nhiều nguyên nhân khác.

 

Chẳng hạn như ngày nay, do ít con nên những người làm mẹ và các phụ nữ nói chung dành tình thương và sự chú ý dành cho con của mình nhiều hơn. Sự quan tâm này đôi khi là do áp lực. Có thể thấy rất nhiều băn khoăn về chiều cao cân nặng của con và có cảm giác con mình lười ăn trong khi thực tế, đối chiếu với bảng chuẩn, cân nặng và chiều cao của bé hoàn toàn bình thường.

 

Thứ hai là do học hỏi, biết nhiều hơn về kiến thức, rồi qua sách báo nên khi người mẹ so sánh bản thân mình với những người mẹ khác, tự nhiên mặc cảm là có lỗi nếu như mình không có làm điều gì đó đúng đắn cho con! Một điều dễ nhận thấy là các bà mẹ thường so sánh ngầm về chiều cao và cân nặng của con với các bạn cùng trang lứa của con. Và nếu con mình thuộc diện hơi “thấp còi” so với chúng bạn là cũng đủ khiến nhiều bà mẹ mất ăn mất ngủ, tìm mọi cách để mong con tăng cân, tăng chiều cao. Thực tế, không phải đứa trẻ nào cho dù cùng lứa tuổi cũng có nhu cầu ăn uống giống nhau cả về lượng cũng như về chất. Tuy nhiên, không ít cha mẹ lại căn cứ vào sự không giống nhau ấy để đem ra so sánh.

 

Một nguyên nhân khác là có thể chắc hẳn trong quá khứ có chuyện biếng ăn nhưng vì hồi đó ít chọn lựa hơn nên thường người ta cứ để mặc cho nó trôi qua. Còn bây giờ họ làm tới nơi tới chốn.  
 
“Điều đáng nói là chúng ta cũng thấy tỷ lệ 38% có vẻ hơi bị thổi phồng lên do nhận thức không đúng của ba mẹ việc biếng ăn của con mình. Có những đứa bé thực sự ăn vừa đủ theo tuổi và kích cỡ cơ thể của nó nhưng do nhận thức sai lầm của ba mẹ, cứ tưởng nó biếng ăn”, GS.TS Russell J.Merritt, Ban điều hành Hội công thức dinh dưỡng Hoa Kỳ, Giám đốc Y khoa dinh dưỡng hỗ trợ và tiêu hóa bệnh viên Nhi Los Angeles, khẳng định.
 

Theo GS.TS Nguyễn Công Khanh, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội nhi khoa Việt Nam giải thích thêm: “Biếng ăn của trẻ là một vấn đề tập hợp về hành vi, mặt khác còn do vấn đề bệnh lý của trẻ”. Các bậc cha mẹ có thể không biết hành vi dỗ dành, hay đe dọa, ép trẻ ăn, quan tâm hoặc thờ ơ thái quá đến chuyện ăn của trẻ có thể vô tình làm trầm trọng thêm vấn đề. Trong mọi trường hợp, không nên bắt buộc trẻ em ăn vì điều này còn nguy hiểm hơn là sự suy dinh dưỡng. Không nên cho trẻ giải trí trong bữa ăn như vừa ăn vừa xem tivi, đọc sách hay chơi đồ chơi. Bởi khi bị phân tâm, trẻ sẽ không chú ý đến các dấu hiệu đói và no từ chính cơ thể mình nữa.

 

Về bệnh lý, có thể trẻ bị chứng khó nuốt, những vấn đề liên quan đến tiêu hóa, trẻ bị nôn hay thường xuyên bị trào ngược, một số những biểu hiện đau dễ nhận biết, trẻ còi, thậm chí có những dấu hiệu về tim mạch mãn tính...

 

“Theo cảm giác của tôi, biếng ăn của trẻ hầu hết là do sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng cả một quá trình. Chẳng hạn như: trẻ ăn uống không đúng độ tuổi, ăn không căn cứ vào nhu cầu mà cứ tùy tiện hoặc theo một thời gian biểu quá chặt chẽ, thiếu kiến thức về chế biến thức ăn… ”, GS Khanh nhận định.

 

Lan Hương