Vì sao chưa bắt tạm giam 10 đối tượng “nhân bản” xét nghiệm?
(Dân trí) - “Quá trình làm việc với cơ quan điều tra các đối tượng thành khẩn khai báo sự sai trái của mình và không có biểu hiện trốn tránh… Do vậy, đến thời điểm này chúng tôi chưa ra lệnh bắt tạm giam”, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội nói.
Thành ủy Hà Nội cho rằng “nhân bản” xét nghiệm là vụ việc nghiêm trọng và Công an Thành phố cũng đã có đủ tài liệu chứng cứ chứng minh những đối tượng này có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Sau khi ra quyết định khởi tố bị can đối với 10 đối tượng liên quan, Công an Thành phố có bắt tạm giam họ để phục vụ quá trình điều tra không, thưa ông?
Đến thời điểm này chúng tôi chưa ra lệnh bắt tạm giam đối với 10 bị can này. Lý do là 10 đối tượng bị khởi tố đều là cán bộ công nhân, viên chức nhà nước có lý lịch rõ ràng. Trong khi đó quá trình làm việc với cơ quan điều tra họ rất tự giác, khai báo thành khẩn việc làm sai trái của mình. Hơn nữa, trong quá trình làm việc số đối tượng này không có biểu hiện trốn tránh.
Ngày 19/8, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố đã phê chuẩn quyết định khởi tố. Đến sáng ngày 20, chúng tôi triệu tập 10 bị can lên làm việc, tất cả họ đều có mặt để cơ quan điều tra tống đạt hỏi cung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cơ quan điều tra cũng đã xác định rõ số lượng xét nghiệm bị “nhân bản”. Vậy, hậu quả của nó đến đâu?
Với hơn 700 trường hợp bị “nhân bản”, hậu quả vật chất của việc thanh toán bảo hiểm là không lớn, tính ra khoảng 16 triệu đồng. Tuy nhiên, việc “nhân bản” xét nghiệm này mới chỉ là căn cứ bước đầu để chúng tôi khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Những vấn đề liên quan khác, trong quá trình điều tra nếu phát hiện được chúng tôi sẽ xử lý triệt để. Còn có lẽ hậu quả vụ việc như thế nào thì phải chờ đến kết thúc điều tra vụ án, xử lý trước pháp luật.
Một số cán bộ bệnh viện đa khoa Hoài Đức cũng có đơn tố cáo ngược lại chị Nguyệt, cơ quan điều tra có làm rõ việc này không?
Chúng tôi xác định chị Nguyệt đi tố cáo và một số cán bộ bệnh viện có đơn tố cáo ngược lại chị Nguyệt là 2 việc khác nhau. Với vấn đề chị Nguyệt tố cáo giám đốc và những người có liên quan trong khoa Xét nghiệm sai phạm đã được chúng tôi giải quyết. Việc chị Nguyệt bị người khác tố cáo ngược lại, có lẽ chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm rõ còn mức độ đến đâu, xử lý đến đó. Nhưng cũng có nhiều tình tiết để cân nhắc có xử lý bằng pháp luật hay xử lý hành chính.
Sự việc được phanh phui, cả Giám đốc, phó Giám đốc, trưởng khoa và nhân viên khoa Xét nghiệm bệnh viện đa khoa Hoài Đức bị khởi tố, nhiều người lo ngại chị Nguyệt bị trả thù. Công an thành phố có biện pháp gì bảo vệ người dũng cảm đứng ra tố cáo?
Việc thực hiện bảo vệ người tố cáo theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có phương án. Cụ thể, giao cho công an huyện cùng một số đơn vị chức năng làm việc này. Cho đến giờ phút này, nơi chị Nguyệt sinh sống chưa có vấn đề gì xảy ra.
Thành phố xem xét mức khen thưởng đối với chị Nguyệt Trao đổi với báo chí, ông Phan Đăng Long - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, với trách nhiệm Sở Y tế đã khen thưởng chị Nguyệt theo đúng quyền hạn Luật Thi đua khen thưởng. “Mức khen thưởng tới đây thế nào, ở mức cao hơn thì phải đợi cơ quan điều tra có kết quả, thành phố sẽ tiếp tục xem xét”, ông Long nói. Ông Long còn cho hay, ngoài việc cơ quan công an có trách nhiệm đảm bảo cho người tố cáo khỏi bị trả thù, lãnh đạo thành phố còn giao trách nhiệm cho Sở Y tế Hà Nội đảm bảo quá trình làm việc của họ không bị trù dập. |