Cần đi khám khi nhà có người mắc lao!
(Dân trí) - Nghiên cứu “Phát hiện ca bệnh lao chủ động ở những người tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao tại Việt Nam" đã cho thấy cứ 76 người sống cùng nhà với bệnh nhân lao sẽ có 1 người mắc lao hoạt động.
Ngày 17/1, Tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới New England Journal of Medicine đã đăng tải kết quả công trình nghiên cứu hợp tác giữa Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock (Úc) và Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đưa ra bằng chứng khoa học có tính thuyết phục cao; cho thấy việc sàng lọc lao ở người sống cùng nhà với người bệnh lao sẽ làm tăng gấp 2,5 lần số người được chẩn đoán và điều trị bệnh, cứu sống hàng ngàn người mỗi năm.
Theo đó, các quận/huyện được phân bổ ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp sàng lọc lao bên cạnh các chăm sóc thường quy hoặc nhóm đối chứng chỉ thực hiện các chăm sóc thường quy. Trên 25.000 người sống chung nhà với hơn 10.000 người bệnh lao tại 70 quận/huyện tại Việt Nam.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng phương pháp sàng lọc hộ gia đình giúp số người được chẩn đoán và điều trị lao tăng lên gấp 2,5 lần so với phương pháp thực hành hiện nay,” PGS.TS Fox nói. “Cứ sàng lọc được 76 người sống cùng nhà với người bệnh lao sẽ phát hiện được một người mắc lao hoạt động.”
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ tử vong ở người sống cùng nhà với bệnh nhân lao tại các quận huyện trong nhóm sàng lọc đã giảm tới 40% so với các quận huyện nhóm đối chứng.
PGS.TS Greg Fox, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi rất có thể sẽ thay đổi cách thức chẩn đoán căn bệnh gây tử vong trên khắp thế giới này. Bằng chứng mới này sẽ mang lại lợi ích cho hàng trăm ngàn người có nguy cơ mắc bệnh lao cao, và giúp chấm dứt bệnh lao đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới".
Nhóm nghiên cứu hợp tác Úc-Việt đã và đang khẩn trương thử nghiệm các phương pháp mới nhằm giúp tăng số người bệnh được chẩn đoán, điều trị và hạn chế lây lan bệnh. PGS.TS Fox nói: "Thực tế hiện nay ở hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi lao, việc chẩn đoán và điều trị chỉ được thực hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng điển hình về bệnh lao như ho kéo dài, ho có đờm. Song một thực tế ngày càng rõ ràng là nhiều người bị bệnh không hề có triệu chứng, và do vậy không được chẩn đoán, không được điều trị và có khả năng lây nhiễm cao."
Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để cung cấp thông tin cho các tài liệu hướng dẫn của Chương trình Lao toàn cầu của WHO về sàng lọc các hộ gia đình có bệnh nhân lao. Cách thức triển khai phương pháp này ở từng quốc gia cần được nghiên cứu sâu hơn.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe Quốc gia Australia và là sản phẩm hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney, Đại học New South Wales Australia, và chương trình Chống Lao Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2015. Hiện nay, nhóm chuyên gia nghiên cứu đang tiếp tục hợp tác và thử nghiệm các chiến lược can thiệp khác nhằm loại trừ hoàn toàn bệnh lao tại Việt Nam và trên thế giới.
Trên thế giới, mỗi năm có hơn 10 triệu người ốm bệnh và 1,7 triệu người tử vong vì bệnh lao. Các nước châu Á có số ca bệnh cao nhất. Số ca bệnh lao ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao kỉ lục, khiến cho mục tiêu xóa sổ bệnh lao vào năm 2030 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trở nên ngày một xa vời.
Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu gánh nặng lớn nhất vì bệnh lao. Có khoảng 30% dân số nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn, và hơn 100.000 người mắc lao hoạt động được phát hiện mỗi năm. Căn bệnh phổi gây ra do vi khuẩn lao có thể chữa trị được bằng thuốc, song nhiều người không được chẩn đoán và điều trị kịp thời để khỏi bệnh và ngăn ngừa bệnh lây lan sang những người khác.
Nhân Hà