Thanh Hóa:

Vết thương hôi thối sau 20 ngày điều trị, bác sĩ không cho chuyển tuyến?

(Dân trí) - Khi bị người nhà bệnh nhân tố bệnh viện ĐK huyện Hoằng Hóa cố tình không viết giấy cho chuyển tuyến khi việc điều trị vết thương ở chân không có tiến triển, Bệnh viện phủ nhận và cho rằng “do bệnh nhân không hề xin cho chuyển” và “chúng tôi có khả năng chữa được”.

Theo phản ánh của người nhà bệnh nhân Vũ Minh Tý (SN 1948, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thì bệnh nhân Tý bị bệnh tiểu đường. Ngày 4/2, bệnh nhân nhập viện tại BV huyện Hoằng Hóa trong tình trạng bị hoại tử phần ngón chân. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ở đây đã cắt bỏ một ngón chân bị hoại tử. Thế nhưng, sau 20 ngày điều trị ở đây, vết thương vẫn không hề thuyên giảm.

Bệnh viện đã đề nghị gia đình viết giấy cam kết đồng ý cho BV cắt bỏ hoàn toàn chiếc chân của bệnh nhân lên đến tận đùi thì mới chữa được bệnh.

Anh Vũ Văn An, con bệnh nhân Tý bức xúc cho biết: “Thấy vết thương của bố tôi điều trị ở đây quá lâu mà không có dấu hiệu đỡ, hơn nữa lại được đề nghị cắt bỏ hẳn hoàn toàn cả chiếc chân nên gia đình tôi rất hoang mang. Tôi đã nhiều lần xin cho bố tôi được chuyển lên tuyến trên tức BV Nội tiết tỉnh Thanh Hóa thế nhưng các bác sĩ ở đây không cho chuyển với lý do họ có khả năng cắt bỏ chân và chữa được bệnh cho bố tôi. Họ nói, nếu tôi cố tình chuyển đi sẽ phải tự chi trả các khoản phí vì không có giấy chuyển tuyến, bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm. Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi đành chuyển bố tôi tự do lên tuyến trên. Trước khi chuyến, các bác sĩ ở đây còn bắt tôi viết giấy cam kết với nội dung tự nguyện chuyển bố tôi đi”.

Ngày 25/2, bệnh nhân Tý được người nhà chuyển lên BV Nội Tiết tỉnh Thanh Hóa.

Các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa làm việc với PV
Các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa làm việc với PV

Trao đổi về vấn đề trên, các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân Tý có thừa nhận việc họ đưa ra tư vấn chỉ định cho bệnh nhân Tý phải cắt cụt hẳn chân. Theo các bác sĩ ở đây thì do không cắt bỏ hoàn toàn chân nên bệnh nhân nằm điều trị lâu mà vết thương vẫn không thuyên giảm.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lập, Chủ nhiệm Khoa Ngoại, BV Đa khoa huyện Hoằng Hóa cho biết: “Chúng tôi có tư vấn cho bệnh nhân là nên cắt bỏ chân lên đến ngang đùi thì bệnh mới dứt điểm được. Cắt xong lắp chân giả vào vừa đẹp vừa không phải đi chữa trị nhiều lần. Và cũng cho biết nếu chuyển tuyến trên sẽ rất tốn kém vì bảo hiểm không chi trả. Trong khi đó bệnh này chúng tôi có khả năng chữa được. Nhưng bệnh nhân đã không đồng ý cho cắt và con trai bệnh nhân đã tự mang bệnh nhân đi khám nơi khác”.

Bác sĩ Lê Viết Thành, Trưởng Khoa cấp cứu của BV này còn cho rằng: "BV Nội tiết chỉ chuyên điều trị về đường huyết, không chuyên về xương khớp trong khi BV chúng tôi có hẳn hai bác sỹ chuyên khoa này được điều từ BV Đa khoa tỉnh về như Bác sĩ Lê Mai Dung cũng đã tư vấn cho bệnh nhân nên thế để bệnh nhân khỏi phải đi điều trị nhiều lần".

Đúng như lời bác sĩ Thành nói, Bác sĩ Lê Mai Dung cũng trả lời với PV rằng anh đã tư vấn cho người nhà nên cắt lên ngang đùi. "Tuy nhiên người nhà muốn cắt đến đâu chúng tôi sẽ cắt cho đến đó. Thích cắt đến đầu gối, chúng tôi cắt đến đầu gối, thích cắt lên đùi chúng tôi cắt lên đùi", Bác sĩ Dung nói.

Còn theo bác sĩ Lê Thị Oanh, Trưởng khoa khám bệnh, BV Đa khoa huyện Hoằng Hóa, khẳng định: “Nếu bệnh nhân thực sự khó khăn mà muốn chuyển tuyến, chúng tôi sẵn sàng xem xét cho chuyển, không gây khó khăn nhưng gia đình bệnh nhân Tý không thấy xin chuyển mà sau khi nghe bác sĩ tư vấn đã tự nguyện mang bệnh nhân đi nơi khác”. Điều này trái ngược với những gì gia đình bệnh nhân phản ánh và hoàn toàn mâu thuẫn khi BV yêu cầu gia đình bệnh nhân nếu muốn chuyển đi phải viết giấy cam kết tự nguyện chuyển.

Điều đáng nói là sau 3 ngày điều trị tại BV Nội tiết, vết thương của bệnh nhân Tý đã có chuyển biến.

Bác sĩ Bùi Thị Diệu Linh, Phó Khoa chăm sóc dinh dưỡng bàn chân, BV Nội tiết cho biết: “Khoa tiếp nhận bệnh nhân Tý trong tình trạng vết thương lở loét rất nặng, mùi hôi thối nồng nặc. Sau 3 ngày điều trị tại đây, phần thịt của vết thương đã khô, mùi đỡ đi nhiều. Trong trường hợp bệnh nhân Tý nếu có phẫu thuật thì cũng chỉ phẫu thuật ở khớp bàn chân chứ không đến mức cắt bỏ hẳn chân bệnh nhân”.

Sáng ngày 6/3, trao đổi với PV, Bác sĩ Trịnh Hữu Trường, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, BV Nội Tiết khẳng định: "Hiện vẫn chưa có chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân Tý. Chúng tôi theo dõi trong ảnh chụp X-Quang thấy tổn thương xương nhẹ. Ưu tiên số 1 trong trường hợp này là điều trị cho vết thương không bị nhiễm khuẩn và bảo tồn được toàn bộ chân của bệnh nhân".

Ông Lê Minh Sứ, Giám đốc BV Nội Tiết cho rằng: "Bệnh nhân Tý muốn chuyển lên tuyến trên là hoàn toàn chính đáng vì bệnh này cũng rất nặng. Phẫu thuật cắt chân thì tuyến huyện vẫn làm được. Tuy nhiên, điều trị sau phẫu thuật để tránh biến chứng lại vô cùng phức tạp".

Đã từng có tình trạng “mua bán” giấy chuyển tuyến

Nhiều bệnh nhân từng nằm tại BV Đa khoa huyện Hoằng Hóa trước đây phản ánh việc họ muốn chuyển tuyến trên đều phải “bôi trơn” cho lãnh đạo BV từ 500.000đ- 1 triệu đồng.

Chị N.T.L (Hoằng Anh, TP Thanh Hóa) bức xúc: “Cách đây hơn 2 năm, khi xã Hoằng Anh còn chưa được sát nhập vào thành phố, con tôi phải mổ hạch. Do muốn đưa con lên BV Nhi Thanh Hóa để đảm bảo an toàn. Tôi xin giấy chuyển tuyến ở BV huyện Hoằng Hóa không được đành phải bỏ 500.000đ để mua”.

Không những chị L. mà rất nhiều người dân khác phản ánh “giá” của giấy chuyển tuyến cũng tăng theo thời gian. Cách đây 1 năm thì nó đã tăng lên 1 triệu đồng.

Chuyển thắc mắc này đến BV huyện Hoằng Hóa thì được bác sĩ Oanh, bác sĩ Lập ở đây thừa nhận: Vấn đề này chúng tôi cũng có nghe, nhưng cách đây khoảng 1 năm về trước chứ bây giờ không còn tình trạng đó nữa.


Nguyễn Thùy 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm