1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vào viện chăm người bệnh

(Dân trí) - Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chạy thục mạng khi bác sĩ yêu cầu đó là hình ảnh của những người có người thân nhập viện. Ẩn sau nỗi đau thể xác của người bệnh là những lo lắng và vất vả đến vô cùng của người thân.

Cú điện thoại lúc nửa đêm

 

0h sáng, tôi vừa chợp mắt sau một ngày làm việc căng thẳng thì có chuông điện thoại. Đầu dây đằng kia vang lên giọng nói thất thần: “Ông đến ngay bệnh viện Việt Đức. Ông già tôi đang cần gấp 5 triệu để nhập viện”. Không nói thêm câu gì, cậu bạn tôi cúp máy. Bố của cậu bạn tôi được chẩn đoán bị khối u tuỵ chèn ống mật. Hai tuần trước, đã được các bác sĩ Viện K trả về vì căn bệnh ung thư di căn. Không đành lòng để ông về nhà (Thái Bình) chờ chết, gia đình quyết định đưa ông lên Hà Nội điều trị...

 

Khoác vội chiếc áo rét, tôi lao thẳng vào bệnh viện. Ngoài đường, đêm đông vắng lạnh nhưng khi đến cổng bệnh viện không khi vẫn nóng hầm hập bởi dòng người hối hả đi lại. Nộp xong số tiền viện phí ứng trước, tôi theo xe đẩy, cùng cậu bạn đưa người thân lên khoa ngoại. Đến phòng bệnh, đồng hồ đã điểm 1h.

 

Sự xuất hiện của bệnh nhân mới đánh thức giấc ngủ chập chờn của hơn chục người nhà bệnh nhân đang trải chiếu nằm dưới nền nhà. Sau khi sắp xếp cho bệnh nhân được chỗ nằm ổn định ngay trên cáng. Tôi và cậu bạn lùi ra cửa ngồi, ngủ gục ngay hành lang.

 

Sáng sớm, để chuẩn bị cho công tác thăm khám bệnh của bác sĩ, tất cả người nhà bệnh nhân đều bị mời ra ngoài.

  

Chiếu nghỉ 10 ngàn

 

Qua một người có “thâm niên” ở viện, tôi tìm đến khu nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân. Đặt cọc 300 ngàn, tôi được phát một chiếc chiếu và miếng tích kê ghi sẵn số giường. Chiếu trọ thì ít, người nhà bệnh nhân đông, nên ai may mắn được người trước mách mới tìm đến được.

 

Căn nhà rộng hàng trăm mét vuông với 4 tầng giường trông giống như giá để nong tằm của người dân vùng bãi. Tẩt cả các giường đều đã chật cứng người nằm ngồi ngang dọc. Kẻ chằn trọc lo toan, người thiếp đi vì cả đêm thức trông người bệnh. Ở đây không những người đi chăm sóc mà còn có cả những bệnh nhân chờ nhập viện, hoặc điều trị ngoại trú.   

 

Từ hôm ông H lên Hà Nội, hai anh em cậu bạn tôi cứ thay phiên nhau trông bố. Tiếng là trông bố, nhưng hầu hết thời gian chỉ lang thang vạ vật hết hành lang lại xuống gốc cây. Đêm đến, ba chúng tôi thay phiên nhau “gác” cạnh giường ông H. Đêm thứ hai, tôi thủ sẵn chiếc vỏ chăn cho vào túi bóng, giả túi quà để đêm đến dở ra khoác cho đỡ lạnh. Sáng sớm lại dấu vào gầm giường. Nếu để bảo vệ bệnh viện phát hiện, họ sẽ thu mất. 

 

Mòn mỏi chờ bố “đánh hơi”

 

Tại khoa Phẫu thuật gan mật, Bệnh viện Việt Đức, những cơ thể da bọc xương, kiệt sức vì bệnh tật nằm bất động trên giường bệnh nhưng cái đầu thì vẫn tỉnh táo. Họ như nhận thức được những chuyện sẽ đến với mình. Chết không sợ, mà chỉ lo nằm viện tốn tiền thuốc, bởi cuộc sống vốn khó khăn, nay phát bệnh không biết rồi sẽ lấy đâu ra tiền để trang chải nợ nần.

 

Nhìn vào mắt ông H, tôi như hiểu được những điều ông đang nghĩ. Không làm được gì, tôi chỉ còn biết động viên ông: “Chú cứ yên tâm mà chữa bệnh, không phải lo lắng chuyện tiền nong”. Động viên ông là vậy, chứ thực ra, ông nằm viện hai tháng nay, chi phí cũng ngót nghét gần chục triệu, tất cả chỉ toàn là vay chạy…

 

Cậu bạn tôi cứ chạy như con thoi, từ chuyện mổ xẻ, rồi đi lại, chuyện gì cũng hỏi. Ai bảo đâu là theo đấy, làm tất cả nhưng gì có thể để giúp bố chống trả lưỡi hái của tử thần.

 

Hôm bố cậu mổ, sau 6 tiếng đồng hồ chờ đợi, ruột gan cậu nóng như lửa đốt… Đi đi lại lại ngoài hành lang gặp ai cậu cũng hỏi. Người thì bảo: đáng ra phải xong rồi, nhưng có người lại nói: “Cứ bình tĩnh, không sao đâu!”. Không chịu đựng được thêm nữa, cậu lao vào khu hồi sức. Thân hình nhẹ như có thể bay được của cậu bị chặn lại bởi cánh tay người vệ sĩ. Mặc cho cậu than thở đề nghị : “Bố tôi sắp chết rồi… Cho tôi vào gặp bố tôi một tý!”. Dường như đã quá quen với cảnh này, khuôn mặt anh bảo vệ vẫn không hề biểu hiện chút cảm xúc.

 

Ngày thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4 sau khi phẫu thuật, sức khoẻ của ông cư yếu dần. Nghe bệnh nhân giường bên cạnh nói, nếu lâu không "đánh hơi" được có thể phải mổ lại, khuôn mặt Tài từ xanh chuyển sang tím tái. “Bố mình đã thế kia, nếu phải mổ lại, chắc chết mất!”, Tài thảng thốt.

 

Điều lo lắng của Tài đã không xảy ra. Đến ngày thứ 6, ông H đã “đánh hơi” được. Đến ngày thứ 7 ông nuốt được vài thìa cháo loãng. Dù không phải mổ lại nhưng tôi thấy sức khoẻ của ông ngày càng yếu. Bệnh thể xác cộng với bệnh tinh thần đã làm ông kiệt sức.

 

Ngày thứ mười sau phẫu thuật, ông được xuất viện về nhà trong tình trạng phải nằm trên cáng. Giường ông nằm lại có bệnh nhân khác vừa chuyển vào. Tiễn ông về quê, tôi thầm cầu chúc những điều kỳ diệu sẽ đến với ông.

 

Thái Bình