1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vận động đều đặn ngừa chặn ung thư

(Dân trí) - Hiện nay, ung thư là bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong khá cao, sau bệnh tim mạch, đái tháo  đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Theo WHO, thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh ung thư. Rất may, chúng ta có thể ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ này qua vận động thể lực, thể dục, thể thao.

Tổng quan về vận động thể chất

 Hoạt động thể chất là tất cả những vận động sử dụng cơ, xương, khớp và đòi hỏi nhiều năng lượng. Hoạt động thể chất gồm làm việc tay chân, tập thể dục, công việc gia đình, hoạt động thể thao, giải trí…

 Vận động thể chất rất cần thiết để con người cân bằng giữa số lượng calo tạo ra với calo được sử dụng. Do đó, người ít vận động cơ thể chắc chắn sẽ thừa calo năng lượng dẫn đến béo phì, rối loạn chuyển hóa và các hệ lụy kèm  theo.

Vận động đều đặn ngừa chặn ung thư - 1

 Vì sao vận động thể chất làm giảm nguy cơ ung thư ?

 Qua những nghiên cứu tương quan giữa BMI và tỷ lệ mắc bệnh ung thư của dự án GLOBOCAN, các nhà khoa học đưa ra 6 cơ chế khiến người thừa cân, béo phì tăng nguy cơ ung thư gồm: (1) Béo phì dễ bị viêm mãn tính gây tổn thương ADN dẫn tới ung thư; (2) Mô mỡ người béo phì sẽ sinh tổng hợp estrogen dư thừa, làm tăng nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, và một số loại ung thư khác; (3) Người béo phì thường bị “cường” insulin (kháng insulin) và insulin growth factor-1 (IGF-1), thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và ung thư nội mạc tử cung; (4) Tế bào mỡ rối loạn chế tiết các hormone adipokine: leptin (adipokine thúc đẩy phát triển tế bào) tăng lên, và adiponectin (adipokine chống phát triển tế bào) lại giảm thấp; (5) Các tế bào mỡ cũng có thể có các tác động trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều chỉnh tăng trưởng tế bào khác, bao gồm mTOR (mammalian target of rapamycin) và AMP kinase (AMP-activated protein kinase); (6) Các cơ chế khác có thể làm béo phì có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư bao gồm thay đổi tính chất cơ học của mô liên kết quanh tế bào vú, thay đổi phản ứng miễn dịch, tác động lên hệ thống kappa beta nhân (nuclear factor kappa beta system) và stress oxy hóa.

Cuối cùng, các nhà khoa học kết luận, cơ nguyên mấu chốt (root cause) của việc vận động thể lực, thể dục, thể thao làm giảm nguy cơ bị ung thư chính là giúp cơ thể “thanh lý” số calo năng lượng thừa để không bị thừa cân béo phì.

Vận động đều đặn ngừa chặn ung thư - 2

 Vận động thể chất làm giảm nguy cơ ung thư nào?

Các nhà khoa học đã liệt kê khá nhiều loại ung thư được giảm nguy cơ khi con người thường xuyên vận động thể chất. Tiêu biểu là các loại sau:

* Ung thư ruột già

  Trên 52 nghiên cứu được tổng hợp năm 2009, cho thấy những người hoạt động thể chất nhiều nguy cơ mắc ung thư ruột kết thấp hơn 24%.

   * Ung thư vú

  Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ hoạt động thể chất có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn so với người ít hoạt động. Trên 31 nghiên cứu tổng hợp 2013, mức giảm nguy cơ ung thư vú liên quan đến hoạt động thể chất là 12%.

   * Ung thư nội mạc tử cung

 Kết quả của 33 nghiên cứu, mức giảm rủi ro ung thư nội mạc tử cung trung bình liên quan đến hoạt động thể chất cao so với thấp là 20% .

  * Một số bệnh ung thư khác

  Phân tích kết quả nghiên cứu trên cả triệu người cho thấy, hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi cũng làm giảm nguy cơ bị các loại ung thư như ung thư biểu mô thực quản, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư bạch cầu tủy, u tủy, ung thư đầu mặt cổ, trực tràng, bàng quang…

Vận động đều đặn ngừa chặn ung thư - 3

 Mức vận động thể lực trung bình

 Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Hoa Kỳ, 2008, mỗi tuần lễ người trưởng thành cần ít nhất 150 phút (2 giờ và 30 phút) hoạt động thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải, và 75 phút (1 giờ và 15 phút) hoạt động thể dục cường độ mạnh. Các hoạt động này nên tiến hành đều đặn hàng ngày và xen kẽ nặng nhẹ với nhau để cơ thể dễ thích nghi.

Các hoạt động thể dục cường độ vừa gồm đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe đạp chậm, chơi cầu lông, khiêu vũ trong nhà, làm vườn…, và các hoạt động thể dục cường độ mạnh gồm chạy bộ, bơi lội, nhảy dây, đi bộ đường dài, chơi quần vợt, nhảy aerobic, làm vườn nặng, đi bộ lên dốc hoặc đeo ba lô nặng…

Với trẻ em và vị thành niên, khuyến nghị cần ít nhất 60 phút (1 giờ) hoạt động thể chất hàng ngày với các vận động thể dục nhịp điệu cường độ trung bình là chủ yếu. Các vận động thể chất cường độ mạnh ít nhất 3 ngày một tuần.

Thay lời kết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra 6 yếu tố nguy cơ ung thư: (1) Hút thuốc lá, (2) Uống bia rượu, (3) Thừa cân và béo phì, (3) Các yếu tố dinh dưỡng, ăn thừa đường, thiếu rau trái, nhiều thịt đỏ (4) Không hoạt động thể chất, (5) Nhiễm trùng mãn tính như helicobacter pylori HP, viêm gan siêu vi B (HBV), viêm gan C (HCV) và một số loại virus gây u nhú ở người (HPV).., (6) Môi trường và nghề nghiệp bao gồm bức xạ ion hoá và không ion hóa.  Với tần suất tăng lên như bệnh dịch, thừa cân và béo phì là nguy cơ gây ung thư quan trọng nhất. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng khẳng định điều này.

Dưới ánh sáng khoa học, mô mỡ không đơn thuần là kho “năng lượng” cho cơ thể mà là một tuyến nội tiết thật sự; và người quá cân, béo phì chắc chắn có nguy cơ bị ung thư cao hơn người bình thường.

  Do đó, vận động thể lực, thể dục, thể thao, một chế độ phòng ngừa thừa cân, béo phì vô hình trung cũng là phòng chống ung thư hiệu quả.

 TS.BS Trần Bá Thoại

 Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam