Uống thuốc bột chữa đi ngoài, bé 4 tháng tuổi sùi bọt mép, co giật
(Dân trí) - Sau khi uống loại thuốc bột được kê tại một phòng khám tư để chữa nôn, đi ngoài, bé gái 4 tháng tuổi ở Phú Thọ li bì, ngủ nhiều rồi rơi vào tình trạng co giật toàn thân, sùi bọt mép, mắt trợn ngược.
Ngày 19/5, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thông tin về trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở Lâm Thao, Phú Thọ được đưa đến viện trong tình trạng co giật toàn thân sau khi uống thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc
Theo đó, bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới lên khoa Cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi lúc 23h00 ngày 15/5/2020 với chẩn đoán theo dõi Viêm não màng não.
Điều đặc biệt là qua khai thác bệnh sử, em bé từng được uống loại thuốc bột không rõ nguồn gốc để chữa nôn, đi ngoài.
Theo lời kể của gia đình, khoảng 10 ngày trước khi vào viện, bé gái xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng 7 – 8 lần/ngày, phân màu xanh lẫn dịch nhầy.
Sốt ruột với tình trạng đi ngoài của con, gia đình đưa bé đi khám tại phòng khám tư nhân và được kê đơn 2 túi thuốc bột màu vàng chữa nôn và đi ngoài, có hướng dẫn kèm theo.
Về nhà, sau 2 ngày uống thuốc, trẻ không còn bị đi ngoài nhưng xuất hiện tình trạng li bì, ngủ nhiều hơn bình thường. Đến tối 15/5/2020 trẻ xuất hiện tình trạng co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép, tay co quắp, chân duỗi cứng. Lúc này gia đình mới đưa cháu vào Trung tâm y tế địa phương.
Theo đó, trẻ bị co giật trong vòng 30 phút, được xử trí cắt cơn co giật bằng Dipazepam, thụt hậu môn sau đó chuyển đến Trung tâm Sản Nhi.
Người nhà bệnh nhi cho biết thêm, trước đây chị gái của bệnh nhi cũng có biểu hiện bị bệnh đi ngoài tương tự, đã đi khám tại phòng khám và khỏi bệnh sau khi được bác sĩ cho loại thuốc bột như trên mang về uống.
Đặc biệt, khi tiến hành chụp X-quang gói thuốc cho thấy hình ảnh cản quang.
BSCKI Nguyễn Phú Thạch, khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhi được chuyển vào viện trong tình trạng trẻ tự thở, da niêm mạc hồng lơ mơ, phản xạ chậm, nhịp thở chậm, tim nhịp chậm, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng dương tính, không có yếu liệt thần kinh khu trú.
Từ kết quả thăm khám và triệu chứng thể hiện, bác sĩ chẩn đoán tình trạng co giật của bệnh nhi là do ngộ độc thuốc và được điều trị theo phác đồ, chỉ định các xét nghiệm tìm tác nhân gây ngộ độc.
Sau 3 ngày điều trị và theo dõi, hiện nay bệnh nhi đã tỉnh, không còn tình trạng co giật, sức khỏe ổn định.
Tại Bệnh viện, các bác sĩ đã xác định tình trạng tiêu chảy của trẻ là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây ra chứ không phải bệnh lý tiêu chảy và cần điều trị theo phác đồ nhiễm khuẩn tiết niệu.
BS Thạch khuyến cáo, việc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ rất nguy hiểm. Trẻ có thể bị ngộ độc thuốc, ngộ độc kim loại nặng (chì) trong các gói thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, cần đưa đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám với bác sĩ Nhi khoa và việc sử dụng thuốc cho con phải tuân theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, tránh hậu quả đáng tiếc khi tuỳ tiện sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ.
Các bà mẹ cũng tuyệt đối không mượn đơn thuốc của trẻ khác khi con có triệu chứng tương tự. Bởi ở mỗi trẻ, biểu hiện, tình trạng bệnh lý khác nhau, cần được bác sĩ khám, chẩn đoán, kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh lý của trẻ.
Tú Anh