Uống thực phẩm chức năng Vision rồi... nhập viện!

Nghe người giới thiệu “thuốc” vision hiệu nghiệm, một phụ nữ 35 tuổi (Bình Dương) mắc lupus ban đỏ từ nhiều năm không khỏi, đã mua uống và hai tuần sau nhập Bệnh viện Da liễu trong tình trạng mụn nước, bóng nước to mọc đầy cánh tay, ngực và lưng.

Vốn bị bệnh lupus ban đỏ từ nhiều năm nay, chạy chữa Tây y nhiều nơi không khỏi, nên khi nghe người giới thiệu một sản phẩm chữa dứt bệnh, bà T.T.T, 35 tuổi, ngụ tại Bình Dương, mừng như “bắt được vàng” liền bỏ tiền mua uống. Nhưng hết bệnh đâu không thấy, chỉ biết sau 2 tuần sử dụng, bà đã nhập Bệnh viện Da Liễu TPHCM!

 

Tiền mất, tật mang thêm

 

Khi vào Bệnh viện Da Liễu TPHCM ngày 29/6, nhiều nơi trên cơ thể của bà T. xuất hiện hồng ban sắc tố, mụn nước, bóng nước to, tập trung ở hai cánh tay, ngực, lưng, chưa kể là niêm mạc họng bị trợt đỏ, đau nhức, môi đóng mày máu. Bà cho biết trước đó có uống 4 loại sản phẩm Vision, mua của một người quen ở gần nhà bán, mỗi loại uống 4 viên/ngày, tổng cộng 16 viên/ngày. Tuy nhiên, khi uống chỉ mới được 2 tuần da của bà đỏ dần, nổi mụn nước, bóng nước, ngứa ngáy, lở miệng nên phải nhập viện điều trị. BS Trần Thị Thanh Thuỷ, phó khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da Liễu TPHCM, người điều trị cho bà T., cho biết bệnh nhân bị hội chứng Steven-Johnson, một dạng dị ứng thuốc nghiêm trọng gây trợt lở da, có thể đe doạ đến tính mạng.

 

Sản phẩm Vision không có gì xa lạ, cách đây vài năm, nó gây tốn hao không biết bao nhiêu giấy mực báo chí khi gắn liền với hệ thống kinh doanh đa cấp. Các sản phẩm của Vision thực chất chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN) chứa các loại vitamin (A, D, E, C…) và nguyên tố vi lượng (đồng, kẽm, selen, crôm…) có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, nâng đỡ sức đề kháng cơ thể trong một số trường hợp nhất định, không hề có tác dụng chữa bệnh như người bán quảng cáo.

 

Theo BS Thanh Thuỷ, với công thức như một dạng viên multivitamin, dù không phải là thuốc kê toa, nhưng sản phẩm Vision cũng không thể uống một cách bừa bãi với số lượng đến 16 viên/ngày. Khi được hỏi có dùng bất kỳ một loại thuốc nào trong khi dùng sản phẩm Vision không, bệnh nhân khẳng định không có. Như thế đã rõ, bà T.T.T đã bị tai biến thuốc, “loại thuốc” mà theo người bán có thể chữa hết bệnh. Được biết, một lọ sản phẩm Vision không hề rẻ, hơn 300.000 đồng cho 30 viên thuốc và bệnh nhân phải bỏ ra ít nhất vài triệu đồng để điều trị!

 

Vision vào bệnh viện

 

Trong những ngày nằm viện điều trị tai biến do dùng sản phẩm Vision, bà T.T.T được một nhân viên của Vision, đồng thời cũng là người bán sản phẩm túc trực chăm sóc. Thái độ này đã được nạn nhân “ghi nhận” và ngay trong hoàn cảnh này, bà T. cũng không ngớt lời “ca ngợi” sản phẩm. Bà nói với chúng tôi: “Thuốc đó nhập từ Pháp về hẳn hoi, tại tôi uống nhiều quá mới bị chứ có chuyện gì đâu”. Khi tôi hỏi người bán về cách điều trị, chị cho biết: “Trước khi cho bệnh nhân dùng, chúng em đều tham khảo xét nghiệm của bác sĩ (!?). Trường hợp này không phải là dị ứng mà tại bệnh nhân uống ít nước quá, chất độc không thải qua đường tiểu hay qua phân mà thải qua da nên mới bị như thế, rồi từ từ da cũng lành thôi (!?)”.

 

 Thật lạ, cho dù khẳng định chuyện không có gì, nhưng các nhân viên Vision tỏ ra rất “quan tâm” đến nạn nhân. Chiều ngày 6.7, vào khoảng 15 giờ 30, lãnh đạo Bệnh viện Da Liễu đã ghi nhận ngay tại phòng bệnh, nơi nạn nhân T.T.T điều trị, có hai người là B.T.X.T và H.P.L mang 2 hộp Vision (mỗi hộp 8 lọ) và qua kiểm tra tủ đầu giường của một bệnh nhân khác cũng có 8 lọ Vision.

 

Với thực phẩm chức năng (TPCN), y học… không cần tồn tại!

 

Tại một hội thảo cuối năm qua, ông Chu Quốc Lập, cố vấn Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, cho biết người dân vẫn chưa quen và bị nhầm lẫn các khuyến cáo của thuật ngữ TPCN bởi một số nhà kinh doanh thổi phồng tác dụng bằng cách ghi quá nhiều công dụng trên nhãn mác.

 

Theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. TPCN không hề có tác dụng chữa bệnh và cũng không thay thế thuốc trị bệnh. Tuy nhiên để đạt được lợi nhuận, người kinh doanh thường “rỉ tai” người tiêu dùng để dụ họ sử dụng. Chỉ với một số loại sản phẩm nhất định phối hợp với nhau mà người ta lại dùng để trị hàng trăm thứ bệnh “dữ dằn” từ đục thuỷ tinh thể, bướu cổ, lao phổi, tiểu đường, Parkinson, Alzheimer, viêm màng ngoài tim cho đến… liệt dương, rối loạn chức năng buồng trứng.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị