1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Uống rượu ngâm loại củ này, hai người đàn ông vào thẳng cấp cứu

Nam Phương

(Dân trí) - Sau khi uống rượu ngâm củ ấu tẩu, hai người đàn ông ở Hải Dương có biểu hiện tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, đặc biệt một trường hợp bị tím tái, phải sốc điện, thở máy.

Tự ngâm rượu thuốc để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe trở thành trào lưu của nhiều người. Tuy nhiên, không ít người rước họa vào thân vì tự ý ngâm rượu với đủ loại từ côn trùng, sâu bọ, động vật cho đến các loại rễ cây, củ quả.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện, Bạch Mai (Hà Nội) gần đây tiếp nhận hai bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu, một người 53 tuổi, một người 49 tuổi, ở Hải Dương. Trước đó, hai người cùng uống rượu với nhau, sau đó có biểu hiện tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, trong đó một người bị tím tái, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy. 

Uống rượu ngâm loại củ này, hai người đàn ông vào thẳng cấp cứu - 1

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Ảnh: N.Phương).

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện loạn nhịp tim, sốc, tụt huyết áp nên được truyền thuốc chữa loạn nhịp, thuốc nâng huyết áp… Xét nghiệm nước tiểu phát hiện aconitin, một chất gây loạn nhịp có trong củ ấu tẩu. Rất may mắn cả hai được đưa đến viện kịp thời, đã được xuất viện. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng 10%. Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc. 

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát.

Uống rượu ngâm loại củ này, hai người đàn ông vào thẳng cấp cứu - 2

Hầu như ngày nào, trung tâm cũng tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc rượu, trong đó có nhiều loại rượu ngâm (Ảnh minh họa: N.Phương).

Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nếu sử dụng không đúng cách hoặc đúng liều lượng có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào về việc uống rượu ngâm con gì, cây gì thì tốt cho sức khỏe. Vì thế, quý ông cần hết sức cảnh giác, tốt nhất không nên uống rượu, nếu uống bạn hãy chú ý liều lượng. 

Về liều lượng, bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau: Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi).

Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Nếu uống cần hạn chế, đối với nam ≤ 2 đơn vị cồn/ngày, nữ ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.  

Ngoài ra, nên uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả, nước súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.  

Bên cạnh đó, không uống rượu với đồ uống có ga, với caffeine, không sử dụng rượu với aspirin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm