Ước được cắt bỏ cả hai tay cấy ghép
(Dân trí) - Người đàn ông được ghép cả hai tay đầu tiên ở Mỹ đã tâm sự về nỗi buồn sâu sắc của mình vì không thể sử dụng được đôi tay, và ước gì mình chưa từng làm việc đó.
7 năm trước, Jeff Kepner, hiện 64 tuổi, đã trở thành người đầu tiên ở Mỹ trải qua ca phẫu thuật tiên phong ghép cả hai bàn tay. Kepner, sống ở Augusta, Georgia, bị mất cả hai tay vào năm 1999 do nhiễm trùng huyết, bắt nguồn từ nhiễm trùng họng.
Ông từng sử dụng tay giả, có thể lái xe và có một công việc. Còn giờ đây, ông hoàn toàn không làm được việc gì
Ông cho biết chức năng của đôi tay đã giảm từ khoảng 75% xuống còn 0 kể từ khi được ghép cả hai tay, và vợ của ông, Valerie, đã phải bỏ việc để chăm ông suốt cả ngày.
"Từ ngày đầu tiên tôi chưa bao giờ có thể sử dụng hai bàn tay của mình," ông nói. "Tôi chẳng làm được việc gì hết. Tôi ngồi suốt ngày trước cái tivi".
Kepner đã biết rõ về những rủi ro - người đầu tiên được ghép tay thành công, năm 1998, tại thành phố Lyon, Pháp, đã không hoàn thành việc điều trị sau phẫu thuật như chỉ định và cuối cùng đã chọn việc cắt bỏ tay ghép.
Nhưng trong năm 2009, Kepner vẫn quyết định trở thành người Mỹ đầu tiên thực hiện ca mổ này, và được nhận đôi tay mới tại Trung tâm Y khoa Đại học Pittsburgh.
Ông Kepner thừa nhận rằng có thể cắt bỏ tay ghép, nhưng cũng biết là thủ thuật phức tạp hơn nhiều so với ông từng nghĩ.
TS Vijay Gorantla, giám đốc y tế hành chính của Chương trình ghép tạp hình Pittsburgh tại UPMC, cho biết việc cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần bàn tay ghép đã được thảo luận, nhưng phẫu thuật chứa đựng nhiều rủi ro.
Kepner có thể sẽ không sử dụng được tay giả nếu cắt bỏ tay ghép, cần uống thuốc hàng ngày, và phải vật lý trị liệu tích cực.
"Chúng tôi tin rằng một vài phẫu thuật nhỏ bổ sung - và vật lý trị liệu tích cực hơn - có thể cải thiện chức năng của đôi tay để giúp ông ấy thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày", TS Gorantla nói.
Tuy nhiên, Kepner tâm sự rằng ông không muốn mổ nữa. "Tôi sẽ không trải qua những việc ấy một lần nữa," ông nói.
Bác sĩ phẫu thuật tiến hành ca mổ, Andrew Lee, hiện làm việc tại Đại học Johns Hopkins với dự án ghép dương vật cho cựu chiến binh Mỹ. TS Lee cho biết trường hợp cần cắt bỏ mô ghép là ít gặp và đã xảy ra ở 6 trong số 100 ca mổ ghép tương tự như ở Mỹ và châu Âu.
"Tay ghép của Kepner không hoạt động tốt như ở những người khác", TS Lee cho biết. "Nhóm chúng tôi đã thực hiện ghép bàn tay/cánh tay hai bên ở bốn bệnh nhân cho đến nay, trong đó có Kepner. Ba bệnh nhân khác đã phục hồi đáng kể chức năng của bàn tay và có thể tiếp tục sống hoàn toàn độc lập, bao gồm cả lái xe, làm việc, và đi học.
"Phẫu thuật phức tạp như ghép tay không mang lại kết quả như nhau cho tất cả mọi người", ông nói thêm. "Nhưng chúng tôi được khích lệ bởi sự phục hồi chức năng ở đại đa số các bệnh nhân, những người mà cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn nhờ phẫu thuật”.
Kepner nói với sự tiếc nuối rằng ước gì mình đã không chọn ca mổ này – nhưng ông không chỉ trích các bác sĩ.
"Đó là cơ hội mà bạn có", ông nói, "Và đó là cơ hội mà tôi đã mất".
Ca mổ ghép tay đầu tiên trên thế giới được thực hiện ở Ecuador vào năm 1964, và đã nhanh chóng bị đào thải. Đến năm 1999, một ca mổ thành công đã được thực hiện ở Louisville, Kentucky, và năm 2000 một nhóm nghiên cứu tại Đại học Innsbruck ở Áo bắt đầu thực hiện mổ ghép cả hai tay. Ca mổ ghép hai tay đầu tiên của Anh được thực hiện hồi đầu năm nay..
Cẩm Tú
Theo Telegraph