Ung thư thực quản: Có những bệnh nhân sống trên 20 năm

Tú Anh

(Dân trí) - PGS.TS Phạm Đức Huấn cho biết, có rất nhiều bước tiến trong điều trị ung thư thực quản, trong đó có phẫu thuật nội soi. 90% bệnh nhân ung thư thực quản đạt tỉ lệ sống trên 5 năm nếu phát hiện sớm.

Nhiều tiến bộ trong phẫu thuật nội soi thực quản

Sáng 8/1, tại hội nghị khoa học "Những tiến bộ của phẫu thuật nội soi trong điều trị ung thư thực quản ở Việt Nam", PGS.TS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, ung thư thực quản là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất đường tiêu hóa.

Ung thư thực quản: Có những bệnh nhân sống trên 20 năm - 1

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt khối u thực quản cho bệnh nhân.

"Trước đây, ung thư thực quản tiên lượng xấu, tỉ lệ sống 5 năm là dưới 30%. Hiện tại, tỉ lệ này đạt 60-70%, thậm chí 90% sống trên 5 năm với chẩn đoán sớm. Trong đó, với bệnh ung thư, sống trên 5 năm được coi là khỏi bệnh. Bản thân tôi có những bệnh nhân sống trên 20 năm", PGS Huấn cho biết.

Theo PGS, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng trong điều trị ung thư thực quản. Tuy nhiên, phẫu thuật ung thư thực quản rất khó khăn, phức tạp, thách thức với các phẫu thuật viên không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Với mổ mở truyền thống, cuộc mổ nặng nề, phẫu thuật phải thực hiện qua 3 đường mổ. Đường thứ nhất mở ngực để cắt thực quản, vét hạch. Đường thứ 2 ở bụng để vét hạch ổ bụng, dùng ống tiêu hóa để thay thế thực quản. Thứ 3 là phải đưa lên cổ để nối thực quản cổ. Đây là phẫu thuật nặng nề, đau đớn, nhiều tai biến sau mổ, tỉ lệ tử vong cao.

"Phẫu thuật nội soi ra đời là cách mạng trong ngoại khoa, đặc biệt trong phẫu thuật ung thư, với nhiều ưu điểm. Bác sĩ chỉ sử dụng đường rạch nhỏ 5-10cm đưa dụng cụ vào phẫu thuật. Đây là can thiệp xâm lấn tối thiểu giúp bệnh nhân giảm đau sau mổ, hồi phục nhanh nhưng vẫn đạt mục tiêu điều trị triệt căn khối u và vét hạch rộng. Ngoài ra, căn bệnh này đòi hỏi điều trị đa mô thức để mang tới hiệu quả điều trị cao nhất", PGS Thuấn cho biết.

Ở Việt Nam, phẫu thuật nội soi trong ung thư thực quản đã được phát triển từ rất sớm, từ 2003 bắt đầu đã được áp dụng. Hiện nay các phẫu thuật viên của Việt Nam trình độ  ngang thế giới.

Đặc biệt, trước đây thường chỉ thực hiện phẫu thuật nội soi cho các ung thư sớm. Nhưng hiện nay, với các kinh nghiệm, sự thành thạo, bất cứ bệnh nào mổ mở được đều có thể mổ nội soi, trong đó có cả phẫu thuật nội soi điều trị ung thư. Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng các công nghệ cao phẫu thuật robot trong ung thư thực quản.

Theo PGS Huấn, phẫu thuật robot đã được áp dụng và phát triển tại các quốc gia lớn thế giới vì có khả năng khắc phục những khó khăn trong phẫu thuật nội soi như: cho hình ảnh camera 3D rõ nét thay vì hình ảnh 2D, cánh tay phẫu thuật linh hoạt giúp các thao tác phẫu thuật chính xác, góc nhìn rộng khắc phục khó khăn về tầm nhìn ở một số vị trí rất sâu trên cơ thể mà bác sĩ khó thực hiện.

PGS.TS  Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, trình độ điều trị tại Việt Nam hiện nay ngày càng tiệm cận với các nước phát triển, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới.

Cảnh giác với dấu hiệu nuốt khó, sút cân

Tại Hội nghị, PGS Huấn cũng thông tin về trường hợp nam bệnh nhân 59 tuổi được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn 3 vừa được phẫu thuật vét hạch ở cả 3 vùng ngực, bụng, cổ.

Bệnh nhân đến viện khám vì có dấu hiệu nuốt vướng, sút cân, không nghĩ mình bị ung thư.

Bệnh nhân này có tiền sử uống rượu, hút thuốc 20 năm. Khi đi khám phát hiện ung thư thực quản giai đoạn 3. Trước khi phẫu thuật bệnh nhân đã được hóa - xạ trị làm nhỏ hạch và giảm giai đoạn khối u. 

"Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi ngực - bụng với các công nghệ hiện đại như phẫu thuật robot, dao mổ năng lượng để cắt khối u thực quản, tuy nhiên do phạm vi cắt rất rộng, phức tạp, nên cuộc phẫu thuật phải kéo dài trong nhiều giờ. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục khá tốt nhưng vì bệnh ở giai đoạn muộn nên cần phải hóa trị, xạ trị bổ trợ trong thời gian tới"- PGS Huấn nói.

PGS Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm, ung thư thực quản hay gặp ở người cao tuổi. Bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm do dấu hiệu không điển hình. Thường khi nuốt khó, nuốt vướng, sụt cân... mọi người đến viện khám ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Vì vậy, để phát hiện được ung thư thực quản trong giai đoạn sớm hơn chúng ta cần quan tâm tới các biến đổi của cơ thể. Nếu như cảm thấy mệt mỏi, gầy sút, ăn không ngon, rồi đến chán ăn, cảm giác nuốt nghẹn... nên đi khám sớm. Nội soi tiêu hóa cho phép phát hiện những tổn thương từ giai đoạn sớm điều trị sớm.