Ung thư phổi: Các tác dụng phụ hay gặp khi điều trị đích

Hà An

(Dân trí) - Ung thư phổi là một trong những ung thư hay gặp ở cả nam và nữ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới, phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn.

Phổi là cơ quan nằm bên trong lồng ngực, giữ nhiệm vụ trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Phổi có tính chất đàn hồi, mềm và xốp giúp đưa khí oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi, đồng thời đưa khí cacbon dioxit từ động mạch phổi ra bên ngoài. Bên cạnh đó, phổi còn có một số chức năng thứ yếu như: giúp lọc bỏ độc tố trong máu, chuyển hóa các chất sinh hóa học. Phổi cũng là một cơ quan để lưu trữ máu của cơ thể.

Ung thư phổi hay ung thư phế quản phổi là bệnh lý ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.

Ung thư phổi: Các tác dụng phụ hay gặp khi điều trị đích - 1

Những người hút thuốc có nguy cơ cao bị ung thư phổi (80-85% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá). Bên cạnh đó, ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. 

Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo thời gian hút thuốc và số lượng điếu thuốc bạn đã hút. Nếu bạn bỏ thuốc lá, ngay cả sau khi hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể khả năng phát triển ung thư phổi.

Ung thư phổi được chia ra làm 2 loại chính ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15% và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm khoảng 85%, tiên lượng và phương pháp điều trị 2 loại này hoàn toàn khác nhau.

Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng (ho kéo dài, ho máu, đau ngực, khó thở, gầy sút cân không rõ nguyên nhân…), cận lâm sàng (X-quang phổi, CT lồng ngực, soi phế quản…) và kết quả giải phẫu bệnh sinh thiết phổi hoặc vị trí di căn ngoài phổi (hạch thượng đòn, gan, nách…)

Nguyên tắc điều trị ung thư phổi dựa vào thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh, tình trạng đột biến gen, PDL1, PD1 và các bệnh lý mắc kèm. Điều trị ung thư phổi gồm phẫu thuật, xạ trị và điều trị nội khoa gồm: hóa chất, các thuốc kháng tăng sinh mạch, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch và chăm sóc giảm nhẹ. Có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.

Dưới đây là các tác dụng phụ hay gặp của điều trị đích theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội:

Phát ban: 

Đây là triệu chứng thường gặp khi điều trị đích, đó là các nốt sần hoặc mụn mủ xuất hiện trên da hoặc niêm mạc kèm theo đau và ngứa. Vị trí thường gặp là đầu, mặt, ngực và lưng, đôi khi là nổi ban toàn thân.

Đừng lo lắng nếu bạn gặp phải tác dụng phụ này, nếu bị nhẹ, bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn, sau đó sử dụng kem corticoid bôi tổn thương. Trong trường hợp nặng, xuất hiện mụn mủ, cần phải liên hệ với bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời.

Viêm quanh móng:

Triệu chứng này thường xảy ra muộn hơn so với nổi mẩn từ 20 ngày đến 6 tháng sau khi được điều trị với EGFR TKIs. Bình thường, viêm quanh móng là tình trạng vô trùng nhưng rất dễ bị bội nhiễm. Khi bị viêm quanh móng, bạn cần tránh các sang chấn lên vùng bị tổn thương, ngâm tay, chân với các dung dịch sát khuẩn nhẹ: nước muối sinh lý, dung dịch Betadin pha loãng hoặc nước chè xanh để nguội. Nếu có tình trạng nhiễm trùng (chảy mủ) cần phải báo với bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời.

Tiêu chảy: Là một tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các thuốc kháng TKIs. Bạn có thể đại tiện phân nát hơn bình thường, số lần đại tiện từ 3-4 lần mỗi ngày thậm chí là đại tiện phân tóe nước. Khi gặp vấn đề này, bạn cần loại trừ các nguyên nhân gây tiêu chảy khác và sử dụng loperamid, orezole và các men tiêu hóa.

Tăng men gan và tăng bilirubin máu: Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, ngứa và vàng da. Rất khó để bạn đánh giá xem mình có bị tăng men gan không ngoại trừ làm các xét nghiệm đánh giá. Một số thuốc hỗ trợ chức năng gan cũng được khuyến cáo sau điều trị các TKIs.