Ung thư máu giai đoạn cuối chữa được không?

Hà An

(Dân trí) - Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư máu giai đoạn cuối rất khó điều trị. Các biện pháp điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh, giảm triệu chứng.

Ung thư máu là loại ung thư ác tính, xuất hiện khi cơ thể bắt đầu có hiện tượng bạch cầu gia tăng đột biến. Bạch cầu vốn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ thể nên khi tăng số lượng một cách đột biến như vậy, nó sẽ bị thiếu thức ăn cũng như nguồn cấp dinh dưỡng. Vì thế bạch cầu sau đó thường "ăn" chính hồng cầu - thành phần quan trọng của máu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần dần.

Ung thư máu giai đoạn cuối chữa được không? - 1

Ung thư máu giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh (Ảnh: Medenta)

Theo Healthline, giai đoạn thứ 4 của bệnh ung thư máu là giai đoạn cuối của bệnh. Số lượng tiểu cầu bắt đầu giảm nhanh. Các tế bào ung thư bắt đầu ảnh hưởng đến phổi và cả các cơ quan khác đã bắt đầu bị ảnh hưởng trong các giai đoạn trước. Thiếu máu, trong giai đoạn này, có nhiều khả năng là cấp tính.

Ung thư giai đoạn 4 rất khó điều trị, nhưng các lựa chọn điều trị có thể giúp kiểm soát ung thư và cải thiện cơn đau, các triệu chứng khác và chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị bằng thuốc toàn thân, chẳng hạn như liệu pháp nhắm trúng đích hoặc hóa trị, phổ biến đối với bệnh ung thư giai đoạn 4.

Vì thế, điều quan trọng là phát hiện bệnh thật sớm để điều trị kịp thời, khi đó tiên lượng bệnh tốt hơn rất nhiều.

Triệu chứng của bệnh ung thư máu phụ thuộc nhiều vào số lượng các tế bào bạch cầu ác tính có trong máu cũng như vào vị trí các tế bào này gây ảnh hưởng tới cơ thể. Bệnh nhân có thể có những chứng sau:

- Đốm đỏ: Đốm đỏ hoặc tím trên da là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.

- Nhức đầu: Nhức đầu dữ dội, đi kèm đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao. Điều này là do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến cho não không được cung cấp đủ oxy nên gây đau đầu.

- Đau xương: Một trong những triệu chứng chính của ung thư máu chính là đau xương. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay, lưng.

- Sưng hạch bạch huyết: Sưng hạch bạch huyết thường nổi dưới da của bệnh nhân ung thư máu và không gây đau.

- Xanh xao, mệt mỏi: Khi mắc ung thư máu, lượng hồng cầu có trong máu bị suy giảm đáng kể, hiện tượng này còn gọi dễ hiểu hơn là thiếu máu. Thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, xanh xao bởi cơ thể không đáp ứng được nhu cầu trao đổi dưỡng khí.

- Chảy máu cam: Chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp nhưng nếu trong trường hợp chảy máu nhiều, liên tục nhiều ngày thì bạn ngay lập tức phải khám bệnh càng sớm càng tốt. Đây có thể là hệ quả của việc suy giảm số lượng tiểu cầu - tế bào có tác dụng cầm máu.

- Sốt cao thường xuyên: Bệnh nhân mắc ung thư máu bị suy giảm trầm trọng khả năng miễn dịch biểu hiện qua những cơn sốt cao, những vết thương nhiễm trùng khó lành.

- Đau bụng: Khi ung thư máu đã tiến triển đến gan và lá lách, nó có thể gây sưng tấy ở các bộ phận này. Vì thế, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau bụng, đầy hơi, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, hoặc ói mửa.