Ung thư cổ tử cung: Phòng ngừa thế nào là đúng?

(Dân trí) - Khi nói đến ung thư thì ai cũng “hãi”, nhiều người xem đó như “án tử hình” treo lơ lửng trên đầu. Nhưng ít ai biết rằng ung thư cổ tử cung lại có thể phòng ngừa, và chị em hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ mình khỏi căn bệnh này.

Ung thư cổ tử cung: Phòng ngừa thế nào là đúng? - 1


  

Nguyên nhân nào gây ra ung thư cổ tử cung?

 

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung đã được xác định là do nhiễm vi-rút HPV, một loại vi-rút gây u nhú ở người có tỉ lệ lây nhiễm rất cao qua đường tình dục. Vi-rút này có nhiều chủng được đánh số thứ tự. 5 chủng HPV 16, 18, 31, 33 và 45 là thủ phạm hàng đầu gây ra khoảng 84% các ca ung thư cổ tử cung trên toàn cầu.

 

Có cách nào để phòng bệnh?

 

Có 2 cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung: chủng ngừa vắc xin HPV và khám tầm soát định kỳ bằng xét nghiệm PAP smear.

 

Chủng ngừa HPV: cách này giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách ngăn ngừa nhiễm các chủng vi rút HPV gây ung thư phổ biến nhất. Cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong vòng 6 tháng. Nữ giới trong độ tuổi 9 - 10 đến 25 – 26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa.

 

Xét nghiệm PAP smear: xét nghiệm này giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này dành cho người đã có quan hệ tình dục và cần thực hiện thường qui mỗi năm 1 lần.

 

Kết hợp cả hai cách phòng ngừa này chính là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

 

Nên chủng ngừa sớm hay nên đợi đến khi chuẩn bị lập gia đình?
 

 

Ung thư cổ tử cung: Phòng ngừa thế nào là đúng? - 2


“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” và việc phòng ngừa nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Chủng ngừa càng sớm càng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV. Các bé gái lứa tuổi vị thành niên, chưa có quan hệ tình dục thì khi chủng ngừa vắc xin càng phát huy được tác dụng bảo vệ. Những bạn gái trong lứa tuổi có thể chủng ngừa (9-26 tuổi) nên chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh này ngay khi có thể, không cần đợi đến khi sắp lập gia đình. 

 

Chủng ngừa rồi có cần tiếp tục khám tầm soát?

 

Những bạn gái đã chủng ngừa, khi bắt đầu có quan hệ tình dục vẫn cần đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP smear định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản phụ khoa. Vắc-xin hiện tại tập trung phòng ngừa các tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất. Tuy nhiên còn một số tuýp hiếm gặp hơn không được “bao phủ” bởi vắc-xin. Do vậy việc khám tầm soát vẫn là cần thiết.

 

Chủng ngừa và khám tầm soát ở đâu?

 

Để chủng ngừa các bạn gái có thể đến các trung tâm y tế dự phòng, các viện Pasteur, bệnh viện phụ sản, trung tâm sức khoẻ sinh sản. Trước khi chủng ngừa bạn cần được bác sĩ tư vấn cụ thể. Khám phụ khoa và tầm soát bằng PAP smear có thể thực hiện tại các bệnh viện sản phụ khoa, khoa phụ sản của các bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa, trung tâm sức khoẻ sinh sản.

 
* Thông tin giáo dục này được cung cấp bởi Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam với sự tài trợ  của VPĐD GlaxoSmithKline  

Mỹ Hạnh