Ung thư bàng quang là gì?

(Dân trí) - John Daly, tay gôn 2 lần vô địch, cho biết ông luôn cảnh giác với sức khỏe của mình sau khi phát hiện bị ung thư bàng quang.

Các bác sĩ đã cắt bỏ khối u trong một ca mổ thành công, nhưng có 85% khả năng ung thư sẽ quay trở lại.

"Vì vậy, tôi phải quay lại và gặp bác sĩ sau ba tháng. Họ có thể sẽ phải cắt bỏ nó", Daly nói.

"May mắn cho tôi là họ đã phát hiện ra sớm, nhưng ung thư bàng quang là thứ mà tôi không biết hết mọi chi tiết. Có vẻ như nó sẽ không biến mất. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra. Có thể sẽ có một phép màu", Daly chia sẻ.

Ung thư bàng quang là gì? - 1

John Daly, tay gôn 2 lần vô địch được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang. 

Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là một cơ quan ở vùng chậu có chức năng lưu trữ nước tiểu cho đến khi bạn sẵn sàng đi tiểu.

Loại ung thư bàng quang phổ biến nhất, ung thư biểu mô tiết niệu, xảy ra khi các tế bào trong niêm mạc bàng quang bắt đầu phát triển mất kiểm soát và hình thành khối u. Ung thư bàng quang chiếm khoảng 5% tổng số ca ung thư mới ở Mỹ. Theo Hội Ung thư Mỹ, vào năm 2020, ước tính sẽ có khoảng 81.000 trường hợp mắc mới và gần 18.000 trường hợp tử vong.

Ung thư bàng quang thường phát triển chậm và không di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Nhưng khi di căn, nó thường đi đến các hạch bạch huyết ở vùng chậu hoặc xâm lấn các cơ quan lân cận khác, chẳng hạn như tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung ở nữ giới. Ung thư bàng quang cũng có thể di căn đến các vùng xa, phổ biến nhất là đến phổi.

Ai bị ung thư bàng quang?

Ung thư bàng quang thường xảy ra ở người trên 55 tuổi, nam giới có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn phụ nữ từ 3-4 lần. Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Trên thực tế, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 3 lần so với những người không hút thuốc.

Ngoài ra, những người làm việc với nhiều hóa chất như công nhân cao su, da cũng dễ bị ung thư bàng quang.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm trùng bàng quang lâu dài cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người uống nhiều nước mỗi ngày có xu hướng giảm tỷ lệ ung thư bàng quang. Điều này có thể là do họ làm sạch bàng quang thường xuyên hơn, khiến cho các hóa chất không bị đọng lại trong bàng quang.

Các triệu chứng của ung thư bàng quang

Tiểu ra máu là triệu chứng phổ biến nhất. Các triệu chứng điển hình khác bao gồm: tiểu rắt, tiểu buốt, đau thắt lưng hoặc đau vùng chậu

Các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận có thể gây ra triệu chứng tương tự. Vì vậy, nếu thấy máu trong nước tiểu, tốt hơn hết bạn nên đi khám ngay để loại trừ ung thư bàng quang.

Các phương pháp điều trị là gì?

Về cơ bản, có ba lựa chọn điều trị chính cho ung thư bàng quang:

- Phẫu thuật

- Hóa trị và xạ trị

- Liệu pháp miễn dịch, là một trong những liệu pháp hứa hẹn nhất. FDA Mỹ đã phê chuẩn 5 loại thuốc trị liệu miễn dịch khác nhau để điều trị ung thư bàng quang di căn từ năm 2016. Thuốc kích thích hệ thống miễn dịch của chính cơ thể giúp loại bỏ các tế bào ung thư. Thuốc được bóm trực tiếp vào trong bàng quang và bao phủ lớp niêm mạc bên trong.

Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí của ung thư trong bàng quang và mức độ di căn.

Những thay đổi lối sống nào sẽ giúp ích?

- Bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá không chỉ giúp loại bỏ yếu tố nguy cơ số 1 gây ung thư bàng quang mà còn tăng cường hệ thống miễn dịch vì hút thuốc làm cơ thể chậm lành.

- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều rau và trái cây đồng thời tránh đường tinh chế đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là tạo ra sự khác biệt đối với ung thư.

- Uống nước. Có bằng chứng cho thấy uống nước có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang vì nó giúp loại bỏ độc tố khỏi bàng quang.