“Tuyệt đối không uống nước giải khát có lợn cợn, bất thường”!

(Dân trí) - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng, với sản phẩm nước giải khát hay bất cứ sản phẩm thực phẩm nào, khi phát hiện có bất thường về cảm quan, như màu sắc, mùi vị... thì tạm thời ngừng sử dụng, thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về thực phẩm để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh vấn đề này.


Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, đầu năm 2015 cơ quan chức năng đã thanh tra công ty Tân Hiệp Phát nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện sản phẩm chứa cặn. Vậy tại sao thời gian gần đây, các sản phẩm của công ty này được phản ánh liên tục vì có cặn, lợn cợn?

Đoàn thanh tra của Bộ đã thanh tra toàn diện Tân Hiệp Phát theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật nhưng không phát hiện sai phạm. Bởi chất lượng một sản phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể hôm nay đảm bảo nhưng ngày mai, chỉ cần một trong số hàng trăm yếu tố không đảm bảo thì sẽ dẫn đến không an toàn. Nên cũng không có gì lạ nếu trong đợt kiểm tra này, tất cả những yếu tố an toàn thực phẩm của doanh nghiệp được xác định đảm bảo nhưng tháng sau, năm sau lại có sản phẩm không an toàn.

Như một nhà hàng rất nổi tiếng ở Thụy Sỹ từng 3 năm liền được bình chọn là nhà hàng tốt nhất thế giới nhưng vẫn xảy ra 63 trường hợp ngộ độc thực phẩm. Vì thế, ở thời điểm thanh tra khẳng định đủ điều kiện vệ sinh không đồng nghĩa mãi mãi sản phẩm của doanh nghiệp đó đảm bảo an toàn".

Mới đây, Chi cục An toàn thực phẩm Cà Mau đã phản ánh về việc phát hiện một số chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát có cặn lơ lửng. Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin này chưa và sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã nhận được thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau liên quan đến phát hiện một số sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát có cặn lơ lửng. Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, tránh gây hoang mang cho dư luận xã hội, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai tổ chức điều tra, xác minh thông tin phản ánh nói trên; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm việc bảo quản, phân phối sản phẩm; lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Chúng tôi yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau báo cáo rõ tình trạng tên sản phẩm, số lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tình trạng sản phẩm còn niêm phong không?. Các lô khác nếu có trên thị trường thì cảm quan như thế nào. Sau khi có báo cáo của địa phương, chúng tôi sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo.

Xin nói thêm, với những sản phẩm khi cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện một bất thường, chúng tôi luôn yêu cầu kiểm tra kỹ, thậm chí nếu có thể dứt khoát yêu cầu tạm dừng lưu thông trong quá trình kiểm tra để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 


Những chai nước trà thảo mộc của Công ty Tân Hiệp Phát bị tố có lợn cợn màu xám, lên mốc, nổi lập lờ trên miệng chai. (Ảnh: Nguyễn Nam)

Những chai nước trà thảo mộc của Công ty Tân Hiệp Phát bị tố có lợn cợn màu xám, lên mốc, nổi lập lờ trên miệng chai. (Ảnh: Nguyễn Nam)

 

Thưa ông, thời gian gần đây người dân liên tục phản ánh phát hiện các chai nước giải khát có lợn cợn, phát hiện nấm mốc bên trong, thậm chí có cả dị vật. Những sản phẩm này có đạt tiêu chuẩn chất lượng không? Ông có khuyến cáo gì cho người dân khi sử dụng nước giải khát, một mặt hàng nhu cầu sử dụng tăng rất cao trong dịp Tết?

Trước hết, một sản phẩm thực phẩm, nước giải khát khi được công bố lưu hành phải đạt các chỉ tiêu về các chỉ số xét nghiệm vi sinh, hóa chất, kim loại nặng, chỉ tiêu về các thành phần nguyên liệu và còn phải đảm bảo cả về cảm quan (có sản phẩm người ta dùng chất tạo đục, hay nước giải khát cho cả thành phần giống như thạch...).

Một sản phẩm đã công bố chỉ tiêu cảm quan, ví dụ công bố chỉ tiêu cảm quan là trong suốt, nhưng khi sản phẩm có dị vật, hoặc lợn cợn thì rõ ràng không đạt tiêu chí này. Khi phát hiện những sản phẩm như vậy, cả cơ quan chức năng và nhà sản xuất cần phải tìm hiểu nguyên nhân xem do quy trình sản xuất, nguyên liệu, quá trình vận chuyển không đảm bảo hay do yếu tố nào khác.

Vì thế, tôi khuyến cáo với người tiêu dùng, khi sử dụng thực phẩm nói chung trong đó có cả rượu bia, nước giải khát mà thấy có trường hợp bất thường về cảm quan, ví dụ màu sắc, mùi vị thì tạm dừng sử dụng và báo ngay cơ quan chức năng.

Thưa ông, thời gian gần đây, liên tục các thông tin về an toàn thực phẩm được phản ánh. Khi tiếp nhận những thông tin này, Cục sẽ xử lý như thế nào?

Ở đây, phải hết sức minh bạch, trên quan điểm rõ ràng. Quan điểm của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương, của Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêu chí đầu tiên là phải bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng. Người tiêu dùng luôn luôn ở tình trạng thế yếu. Bên cạnh đó, phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Vì thế, khi tiếp nhận thông tin, như tôi đã nói, sẽ yêu cầu cơ quan chuyên trách an toàn thực phẩm tại địa phương kiểm tra, xác định, trong trường hợp phát hiện sản phẩm có bất thường thậm chí yêu cầu tạm dừng lưu thông ngay để điều tra, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó tiến hành các bước điều tra, tìm nguyên nhân, kiểm nghiệm mẫu sản phẩm... để có câu trả lời chính xác sản phẩm đó có đảm bảo ATTP không.

Thời điểm Tết nguyên đán đang đến gần, ông có khuyến cáo gì cho người dân trong việc lựa chọn thực phẩm, nước uống an toàn trong dịp Tết?

Còn với người tiêu dùng, hãy luôn lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cần bảo đảm thực phẩm đúng cách vì thói quen tích trữ thực phẩm có thể khiến thực phẩm biến chất, gây hại cho người sử dụng.

Xin cảm ơn ông!

 

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016, cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh kiểm tra các mặt hàng có tiêu thụ lớn như thịt cá trứng, bánh kẹo, rượu bia nước giải khát, hạt có dầu. Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Ngoài ra sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ TƯ đến cấp xã phường, tập trung vào nhóm sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, thành phố lớn.

 

Hồng Hải (thực hiện)