Túi cấy dưới da chữa khỏi bệnh tiểu đường

(Dân trí) - Có kích thước bằng một chiếc thẻ tín dụng, túi chứa những ống nhỏ có thể được bơm các tế bào sản sinh insulin.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mạch máu đã phát triển vào và xung quanh túi và giúp các tế bào trưởng thành - về cơ bản tạo ra một cơ quan đầy đủ chức năng có thể sản sinh insulin và kiểm soát lượng đường trong máu.

Các nhà nghiên cứu Mỹ hiện đang bắt đầu thử nghiệm trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1.


Trong nhiều năm, cách điều trị duy nhất cho bệnh tiểu đường týp 1 là tiêm insulin đều đặn, thường là vài lần trong ngày, hoặc bơm insulin

Trong nhiều năm, cách điều trị duy nhất cho bệnh tiểu đường týp 1 là tiêm insulin đều đặn, thường là vài lần trong ngày, hoặc bơm insulin

Túi cấy mới, có tên là Sernova Cell Pouch, được thiết kế để giải quyết nguyên nhân gây bệnh thay vì các triệu chứng bằng cách cấy các tế bào tiểu đảo tụy mới.

Việc cấy ghép tế bào tiểu đảo đã được thực hiện trong hơn một thập kỷ qua - thường bao gồm tiêm tế bào từ những người hiến tặng đã chết vào tĩnh mạch trong gan - nhưng nghiên cứu cho thấy rằng không phải tất cả các tiểu đảo cấy ghép đều sống được và hầu hết bệnh nhân cần cấy ghép nhiều lần và sau đó phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.

Túi cấy mới được làm từ vật liệu polymer đặc biệt, an toàn để sử dụng trong cơ thể và không bị vỡ. Những lỗ nhỏ trên bề mặt túi giúp các mạch máu phát triển trong nó và có các ống nhỏ để đặt những tế bào cấy ghép. Một lớp phủ đặc biệt ngăn cản túi khỏi bị hệ miễn dịch tấn công.

Việc điều trị bao gồm hai thủ thuật. Đầu tiên, dưới gây mê toàn thân, túi được cấy dưới da bụng và để đó trong khoảng 3 tuần để cho phép các mạch máu và mô phát triển vào túi.

Trong một thủ thuật thứ hai, các bác sĩ tiêm hàng ngàn tế bào tiểu đảo tụy của người cho vào các ống nhỏ xíu của túi. Với nguồn cung cấp máu đã được thiết lập sẵn sàng, các tế bào tiểu đảo được hỗ trợ tốt và dự kiến ​​sẽ hoạt động như trong tuyến tụy bình thường. Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Alberta ở Canada cho thấy chuột bị bệnh tiểu đường không còn cần tiêm insulin sau 100 ngày kể từ khi đặt túi.

Việc điều trị cũng đã được chứng minh là an toàn ở người. Các tế bào tiểu đảo có thể tạo ra insulin và liên kết với hệ thống tuần hoàn. Thiết bị hiện đang được thử nghiệm trên bệnh nhân tiểu đường týp 1.

Các nhà nghiên cứu cho rằng kỹ thuật này có thể được sử dụng cho các bệnh mãn tính khác trong tương lai, chẳng hạn như bệnh ưa chảy máu và bệnh Parkinson, do thiếu những chất cụ thể.

Với bệnh ưa chảy máu, túi có thể được bơm những tế bào giúp duy trì mức độ ổn định của một yếu tố đông máu gọi là là Yếu tố VIII, mà bệnh nhân bị thiếu.

Bệnh Parkinson đặc trưng bởi thiếu dopamine, giúp kiểm soát cử động, vì vậy bệnh nhân sẽ có được bơm các tế bào sản sinh dopamine vào túi.

Trong thử nghiệm mới tại Đại học Chicago, 7 bệnh nhân tiểu đường týp 1 sẽ được nhận Sernova Cell Pouch, đường huyết và insulin, cũng như bất kỳ tác dụng phụ nào ở họ sẽ được theo dõi trong một năm.

Trong một thông tin khác, thường xuyên ăn cá được thấy là làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim ở người lớn bị bệnh tiểu đường, theo tạp chí Nutrition, Metabolism & Cardiovascular Diseases.

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, và các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Georgia, Mỹ đã theo dõi hơn 1.100 người lớn mắc bệnh tiểu đường trong khoảng 18 năm và thấy rằng những người ăn cá nhiều hơn hai lần một tuần sống lâu hơn hai năm so với những người ăn cá ít hơn một lần một tuần.

Cá có nhiều omega-3, được cho là làm giảm sản sinh các chất gây viêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Đái tháo đường týp 1 xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào tiểu đảo tụy sản sinh insulin. Hậu quả là, tuyến tụy ít hoặc không sản sinh hoóc-môn.

Với bệnh tiểu đường týp 2, sản sinh insulin giảm, hoặc các tế bào trở nên kháng với các tác dụng của insulin, vì vậy lượng đường trong máu vẫn cao và cuối cùng gây tổn thương các mao mạch nuôi dưỡng những cơ quan chính và cản trở lưu thông, gây tổn thương không thể phục hồi.

Trong nhiều năm, cách điều trị duy nhất cho bệnh tiểu đường týp 1 là tiêm insulin đều đặn nhiều lần trong ngày, hoặc bơm insulin.

Gần 30% bệnh nhân tiểu đường týp 2 cũng cần tiêm insulin để kiểm soát bệnh. Nhưng tiêm insulin có thể bất tiện và không phải là cách chữa khỏi bệnh.

Cẩm Tú

Theo DM