Tự ý dùng thuốc: Chưa nhập viện chưa sợ!

(Dân trí) - Tình trạng tự ý dùng thuốc mà không cần đơn của bác sĩ diễn ra phổ biến, kéo theo đó là số bệnh nhân “âm thầm” vào TT Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đều đều.

Khám bệnh thông thường: Tốn kém, mất thời gian?

Những biểu hiện mà người bệnh hay người thân của bệnh nhân tự tin đi mua thuốc thường là ho, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu…. Theo bà Nguyễn Thị Thu (63 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội), với những biểu hiện này, chỉ cần ra hiệu thuốc, mô tả triệu chứng cho người bán là được tư vấn loại phù hợp ngay. Nếu không hiệu quả thì đổi thuốc. Còn ngược lại thì cứ thế áp dụng ở lần sau. Ví như paracetamol rất hiệu quả với chứng đau đầu của bà; decolgen, cảm xuyên hương khi bị cúm, kháng sinh khi bị viêm họng.... Không chỉ tự bắt bệnh kê đơn mà bà còn “tư vấn” cho cả hàng xóm. “Những bệnh thông thường không nhất thiết phải đi bác sỹ, vừa mất thời gian, vừa tốn kém. Trước nay tôi dùng vậy có sao đâu”, bà Thu nói. 

Tự ý dùng thuốc: Chưa nhập viện chưa sợ! - 1

Nhiều nguy cơ thường trực gây ảnh hưởng tính mạng từ việc "tự ý dùng thuốc" (ảnh internet)

Không may mắn như bà H., chị N.T.H (25 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) đã phải nhập viện Bạch Mai và điều trị tại TT Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng do dị ứng thuốc. “Lúc đầu em bị đau họng, ho, sốt nên ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống cho nhanh khỏi. Em mua 1 liều dùng trong 5 ngày, mỗi ngày 2 lần nhưng mới uống đến bữa thứ 2 thì đã bị dị ứng. Khắp người xuất hiện các nốt mẩn đỏ như bị sâu róm đốt, sưng hết cả mặt, mắt thì nhức. Em lại ra mua thuốc dị ứng, uống mấy ngày liền nhưng cuối cùng thì sốt cao, mê man, viêm loét vùng kín... phải nhập viện”, chị H. cho biết.
 
Rõ ràng nhiều người dân hiện nay có một tâm lý là chỉ khi nào không tự chẩn được bệnh hoặc bệnh nặng lên, người bệnh mới chịu đến các cơ sở y tế khám chữa và dùng thuốc theo đúng đơn bác sĩ kê. 
 
Bệnh không khỏi, thêm biến chứng

Theo các bác sĩ của Trung tâm dị ứng - Miễn dịch lâm sàng bệnh viện Bạch Mai, trung bình 1 ngày TT tiếp nhận 3-4 trường hợp, nhẹ thì mẩn đỏ khắp người, nặng thì sốc phản vệ, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân đa phần do tự ý dùng thuốc.
 
Còn theo BS. Hoàng Cương, Ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt TƯ, hậu quả của việc tự ý dùng thuốc trong điều trị các bệnh ở mắt là rất lớn và khá phổ biến. Điều tệ hại là những tai biến gây mù loà rất khó cứu vãn: loét thủng giác mạc do bội nhiễm, glôcôm, đục thuỷ tinh thể… Một số sản phẩm điều trị glôcôm còn có độc tính trên hệ tim mạch và hô hấp, có thể gây chậm hoặc ngừng tim, phát sinh cơn hen hoặc hen sẽ có xu hướng tăng nặng nếu dùng sai liều.
 
Với những trường hợp dị ứng kháng sinh penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracylin, analgin, phenacetin nặng, người bệnh có thể bị viêm phổi, màng phổi, viêm gan, thận, tình trạng thường rất nặng, nhanh dẫn đến tử vong. Còn một số thuốc điều trị bệnh tiêu hoá, tâm thần kinh, tim mạch cũng có thể gây ra những tai biến trên mắt như xuất huyết, gây cơn glôcôm cấp, nhìn mờ thoáng qua. Nguyên nhân bệnh nặng là do khi bị dị ứng, người bệnh không đến cơ sở y tế ngay mà lại tiếp tục tự ý mua thuốc dị ứng uống. Đến khi tổn thương viêm loét lan rộng mới vào viện. 
 
Theo khuyến cáo chung, cách duy nhất để phòng những biến chứng nguy hiểm trên là người dân nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và dùng thuốc theo đúng đơn kê khi có bệnh.
TH
Dòng sự kiện: Tình trạng kháng thuốc