Tự tiêm thuốc chữa thoái hóa khớp gối người phụ nữ bị liệt, nhiễm trùng toàn thân

Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, các bác sĩ vừa tiếp nhận và thay khớp gối cho một bệnh nhân do điều trị thoái hóa khớp bằng phương pháp chích khớp.

Bệnh nhân là bà  B.N.N. (60 tuổi, ngụ tại An Giang) nhập viện trong tình trạng sưng nóng, đỏ đau khớp gối phải kèm sốt cao, suy thận. Theo lời kể, 2 năm trở lại đây bà N. bị đau khớp gối, bên phải nặng hơn bên trái. Bệnh nhân đã chữa trị nhiều nơi, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như đắp lá, uống thuốc nam, châm cứu… nhưng tình trạng diễn biến ngày càng nặng hơn.

Sau đó, bà N. được tư vấn đi chích khớp. Sau mũi chích đầu tiên, hiệu quả giảm đau rõ rệt, bà N. quyết định chích tiếp mũi thứ hai. Song, hai ngày sau, khớp gối phải của  bà bắt đầu sưng to, nóng đỏ và đau dữ dội.

Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, không thể vận động chân và phải nằm liệt giường. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm kèm thoái hóa khớp gối, viêm mô tế bào toàn vùng mô mềm quanh gối và được chỉ định phẫu thuật nội soi khớp, cắt lọc mô viêm nhiễm và rửa khớp liên tục 48 giờ.

Tự tiêm thuốc chữa thoái hóa khớp gối người phụ nữ bị liệt, nhiễm trùng toàn thân - 1

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ khớp gối. Ảnh:BSCC

Theo Bác sĩ Trần Nguyễn Phương – Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết sau khi xử lý ban đầu, bệnh nhân đã phục hồi, không còn nhiễm trùng máu.

Sau đó các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật thay khớp gối toàn phần kết hợp điều trị phục hồi chức năng tích cực theo chương trình riêng, được theo dõi và tái khám.

“Hiện sau 3 tháng phẫu thuật thay khớp gối, bệnh nhân đã có thể vận động khớp gối gần như bình thường, đi lại không cần trợ giúp, đau giảm 90% so với trước kia”, bác sĩ Phương cho biết thêm.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân tự chữa khớp dẫn đến nhiễm khuẩn và liệt như bà N. Theo ghi nhận, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  có hơn 80% trường hợp thoái hóa khớp đến điều trị trong giai đọan muộn vì lí do ngại điều trị, sợ phẫu thuật dẫn đến việc tự ý chữa trị bằng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Việc làm này sẽ dẫn đến các biến chứng như loãng xương, suy thận, suy tuyến thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng… khiến cho việc điều trị càng thêm khó khăn.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh có các dấu hiệu đau về xương khớp hoặc đau sau chấn thương cần đến thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa có uy tín. Việc chẩn đoán, xác định nguyên nhân của cơn đau là rất quan trọng.

Phục hồi chức năng là một phương pháp hỗ trợ nền cho sự phục hồi và cần có sự giám sát, chỉ định của các chuyên gia. Vì vậy, người bệnh không nên tùy tiện điều trị mà chưa tham khảo qua ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 20% dân số Thế giới bị thoái hóa khớp. Tại Mỹ, 80% dân số trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp. Tại Việt Nam, tỉ lệ này ở người trên 40 tuổi là khoảng 23,3% và có xu hướng ngày một gia tăng. Tuy nhiên, bệnh thoái hóa khớp hiện nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng.

Theo Nguyễn Vũ 

Sức khỏe & Đời sống 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm