“Tủ sữa mẹ miễn phí”: Nhân văn, nhưng…
(Dân trí) - Câu chuyện về một bà mẹ hai con tại TP.HCM mới đây lập ra “tủ sữa mẹ miễn phí” là một việc làm rất nhân văn. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này để việc cho – nhận sữa được đảm bảo chất lượng cũng như đem lại an toàn cho trẻ.
Cứu cánh của những em bé thiếu sữa
Tuy chỉ mới ra đời hơn một tuần nhưng sự xuất hiện của “tủ sữa mẹ miễn phí” nhanh chóng được hưởng ứng và tham gia của nhiều mẹ “bỉm sữa”.
Chị Lê Huyền Trang - chủ nhân tủ sữa ước tính, mỗi ngày có khoảng gần 100 túi sữa được cho đi, tính đến nay thì đã có khoảng hơn 700 túi sữa đến với các em nhỏ kể từ khi tủ sữa ra đời.
“Không chỉ các mẹ tại TP.HCM, các mẹ ở những tỉnh lân cận cũng tìm đến đây. Mẹ nào cũng mừng vì từ nay có được nguồn sữa mẹ dồi dào, tốt cho con mình vì sữa ở đây được bảo quản rất kỹ, được cho từ chính những bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ”, chị Trang vui vẻ nói.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng chiếm rất nhiều thời gian của bà mẹ hai con này, nào là trả lời tin nhắn, điện thoại của người cho – nhận sữa, sắp xếp nhân viên đi nhận sữa về bảo quản trong tủ đông, đến chuyện phân phát và hướng dẫn chi tiết cho từng người đến nhận…
Cực đấy, nhưng vui và hạnh phúc. Thế nên nụ cười cứ luôn hiện diện trên môi chị Huyền Trang – bởi như chị nói công việc này rất ý nghĩa, chỉ có thể cảm nhận bằng tình yêu thương.
“Ban đầu cũng có nhiều mẹ băn khoăn về chất lượng của những túi sữa miễn phí này. Dựa trên kiến thức mình có được sau một thời gian dài tìm hiểu, mình chia sẻ lại cho mọi người hiểu và bây giờ thì hầu như ai nấy cũng yên tâm.
Rõ ràng không có gì là tuyệt đối cả nên mình cũng không cam đoan tủ sữa của mình là an toàn 100% nhưng dám chắc rằng sữa có chỉ số an toàn rất cao vì tủ sữa này được bảo vệ 4 lớp rồi”, - chủ nhân tủ sữa dẫn chứng.
“Đầu tiên, người cho sữa đã được xác định không mang mầm bệnh bởi đã được kiểm tra trong quá trình mang thai và sinh nở. Thứ hai là nguồn sữa cung cấp đều là sữa của các mẹ đang cho chính con họ bú. Thứ ba là việc nhận sữa đều do chính nhân viên của mình trực tiếp lấy về để tiện xác minh nguồn sữa. Sau cùng, quá trình vận chuyển sữa đều được bảo quản trong thùng kín, có đá ướp”.
Đáng chú ý là không phải đến hôm nay chị Huyền Trang mới làm việc này, mà từ 5 năm trước chị đã nhiều lần đi xin giúp sữa cho những mẹ cần. “Hiện tại mình làm có quy trình và nhân rộng ra. Qua thời gian dài, gần như các trường hợp cho – nhận sữa đều mang lại kết quả tốt, chưa có mẹ nào phàn nàn gì về chất lượng của sữa”, chị Trang cho biết.
Lòng tốt có đi kèm hiệu quả?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, ý tưởng “tủ sữa mẹ miễn phí” của chị Trang là tốt. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu như chị Trang tự làm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Bởi vì trẻ có thể bị lây viêm gan B, HIV… nếu như uống nguồn sữa từ phụ nữ mắc bệnh này. Hơn nữa, cách bảo quản đảm bảo chất lượng sữa ra sao cũng phải tuân thủ rất nghiêm ngặt chứ không phải cứ cho vào tủ đông là được.
Đồng quan điểm, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Việc cho – nhận sữa miễn phí này có những vấn đề cần bàn xoay quanh việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tính hiệu quả. Cần phải đảm bảo những vấn đề là kiểm soát bệnh lý của người cho, chất lượng sữa và vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm của sữa mẹ trữ trong các túi sữa này”. Bác sĩ Hậu khuyến cáo, chỉ nên thực hiện việc cho – nhận tại Ngân hàng sữa mẹ, nơi đã được kiểm định đủ điều kiện, đủ trang thiết bị, đủ nhân lực và được tập huấn để lấy, bảo quản, kiểm soát chất lượng, sử dụng sữa an toàn.
Trình Tuấn – một ông bố đơn thân được nhiều người biết đến với hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, sau đó đã lập ra Ngân hàng sữa mẹ cho biết, anh ủng hộ tấm lòng của người thực hiện tủ sữa mẹ miễn phí nhưng lại không khuyến khích hoạt động theo phương thức này vì những rủi ro về chất lượng sữa và rủi ro về mặt pháp lý.
“Việc đứng ra thu nhận sữa và chia sẻ cho các mẹ khác sẽ làm tăng thêm các bước vận chuyển và thời gian bảo quản cũng như tiếp xúc với môi trường. Điều này tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và giảm chất lượng sữa do sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình vận chuyển và bảo quản.
Sữa mẹ là dịch sống nên khi vận chuyển và thay đổi nhiệt sẽ có thay đổi về protein và giảm kháng thể đó là lý do tại sao giảm thiểu việc tiếp xúc môi trường và thời gian bảo quản càng tốt, và sữa đã hâm rồi thì không làm lạnh lại. Việc tập trung sữa từ nhiều nguồn về một chỗ cũng tăng thêm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Thứ hai là cần có sự chia sẻ thông tin sức khoẻ của người cho, nên hoạt động của tủ sữa miễn phí cần phải đảm bảo điều này. Từ đây phát sinh ra vấn đề pháp lý bởi tủ sữa miến phí là bên thứ 3 trung gian, làm sao đảm bảo được thông tin sức khỏe người cho, đảm bảo được chất lượng sữa, khi có vấn đề phát sinh thì giải quyết thế nào... Rất khác với việc hai bà mẹ liên hệ cho - nhận sữa với nhau”, anh Tuấn phân tích.
Không thể phủ nhận rằng “tủ sữa mẹ miễn phí” đã giúp các bà mẹ giảm bớt nỗi lo, sự gian nan trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc làm này mang lại hiệu quả tốt nhất? Theo đề nghị của BS Khanh, chị Huyền Trang nên liên hệ với các chuyên gia ở bệnh viện sản, nhi để phối hợp cùng họ rồi mới làm, vừa giúp mọi người, vừa đảm bảo an toàn cho trẻ khi nhận sữa, không nên làm tự phát như thời gian vừa qua.
“Đây là công việc của một ngân hàng sữa mẹ miễn phí. Việc thành lập Ngân hàng sữa mẹ ở các bệnh viện sản nhi trên thế giới được đánh giá rất cao, nhưng việc thực hiện khá phức tạp và không phải nơi nào cũng làm được. Mặt khác, Ngân hàng sữa mẹ mới có đủ danh nghĩa pháp lý để chịu trách nhiệm cho công việc này, tránh những rắc rối khi có hệ lụy về sức khỏe xảy ra với em bé nhận sữa”, bác sĩ Hậu cho hay.
Hoàng Lam