Bệnh viện Trung ương Huế:
Tự làm mặt nạ che giọt bắn siêu rẻ cho y bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19
(Dân trí) - Thay vì mặt nạ che giọt bắn mua với giá 200 nghìn đồng, BV Trung ương Huế đã tự sản xuất mặt nạ với chi phí chỉ 5.000 - 7.000 đồng để cung cấp cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Hưởng ứng phong trào cùng chung tay phòng chống dịch Covid - 19 của Bệnh viện Trung ương Huế, Đoàn Thanh niên Bệnh viện phối hợp cùng phòng Quản lý chất lượng, Đơn vị quản lý dịch vụ buồng bệnh đã sản xuất các mặt nạ che ngăn chặn giọt bắn.
Theo ông Lê Hồ Xuân Thịnh, Thường vụ Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, với điều kiện kinh tế khó khăn khi mỗi mặt nạ chắn có giá trị trên dưới 200 ngàn đồng, các đoàn viên đơn vị đã nghĩ ra cách làm mặt nạ chắn từ những vật liệu thông thường nhưng hiệu quả cao.
Đó là nhựa mica trong, xốp, dây thun, aráp bấm giấy và keo 502. Tranh thủ thời gian rảnh, khoảng hơn 40 nhân viên của bệnh viện đã tiến hành theo từng công đoạn: cắt nhựa mica; lắp xốp thành vành mặt nạ, dán và bấm hoàn chỉnh mặt nạ… Mỗi chiếc mặt nạ được làm chỉ từ 5-7 phút với kinh phí khoảng 5.000-7.000 đồng.
Chỉ trong ngày hôm qua (24/3), bệnh viện đã làm được gần 100 mặt nạ. Dự kiến sẽ làm đủ khoảng 1.000 cái để cung cấp cho các y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc với các bệnh nhân mắc Covid-19 và người bệnh nghi nhiễm.
Hiện tại sản phẩm này đã được phát miễn phí cho các bộ phận như Chăm sóc khách hàng, Khám bệnh, Cấp cứu, Bảo vệ… là những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhằm hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các bệnh viện, trung tâm y tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã liên hệ với bệnh viện học cách làm mặt nạ cho đơn vị mình.
Trao đổi với Dân trí, TS.BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đây là một trong những việc làm ý nghĩa, cấp thiết của Đoàn Bệnh viện Trung ương Huế góp phần phòng chống dịch Covid -19 đang diễn ra hết sức phức tạp.
“Bộ Y tế đã khuyến cáo mặt nạ che ngăn chặn giọt bắn rất hiệu quả với y bác sĩ tuyến đầu tiếp xúc bệnh nhân. Vì virus nCoV không chỉ lây nhiễm qua giọt bắn vào miệng, mũi mà các giọt bắn nếu rơi vào giác mạc cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Y bác sĩ sẽ kết hợp đeo khẩu trang và mặt nạ này thì sẽ tránh được nguy cơ xâm nhập của virus” – BS Xuân trao đổi.
Được biết trong ngày 24/3, Bệnh viện Trung ương Huế đã lấy mẫu xét nghiệm 27 nhân viên y tế trực tiếp điều trị các bệnh nhân dương tính Covid-19. Kết quả 27/27 mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Đại Dương