1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tự làm “bác sĩ” khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhẹ thành nặng

(Dân trí) - Mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khám khoảng 1.300 bệnh nhân, trong đó bệnh đau mắt đỏ chiếm 10-20%. Bác sĩ khuyên người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc corticoid.

Sáng ngủ dậy bỗng thấy mắt đỏ, ngứa, kèm gỉ mắt, chị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) nghĩ ngay đến việc bị đau mắt đỏ. Chị ra hiệu thuốc gần nhà kể bệnh thì được bán cho một chai thuốc nhỏ mắt kèm nước muối.

Sau 5 ngày chị không thấy bệnh đỡ đi, thậm chí còn nặng hơn, kèm theo sốt, mệt mỏi nên đi viện khám. Bác sĩ cho biết mắt của chị có giả mạc, phải bóc lớp giả mạc thì dùng thuốc nhỏ kết hợp uống kháng sinh. Nếu không bóc thì dùng thuốc không hiệu quả, để lâu có thể dẫn đến biến chứng. 

Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt. Khi có giả mạc chứng tỏ bệnh đang có chiều hướng nặng thêm do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc không ngấm vào được.

Tự làm “bác sĩ” khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhẹ thành nặng - 1

Người bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện hơi sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cho biết, đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh do virus adeno gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm thường bùng phát vào tháng 9, 10. Vào những đợt cao điểm, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 150-200 người đến khám vì đau mắt đỏ. 

Hiện tại không phải đợt cao điểm bùng phát của dịch song người dân không vì thế mà chủ quan. Mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận 20-30 người đến khám vì bệnh đau mắt đỏ. Trong đó không ít trường hợp gặp phải chứng vì tự chữa bệnh, bác sĩ Hoàng Cương cho biết. 

Người bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện hơi sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. 

Theo bác sĩ Hoàng Cương, điều trị bệnh phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi. Vì thế, người bệnh không nên quá sốt ruột. Đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, giảm tỷ lệ biến chứng.

Bệnh có thể dẫn đến chứng như viêm giác mạc, nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng một số người tự ý dùng thuốc, trong đó chủ yếu là kháng sinh, thậm chí có người tiêm vào mắt. Điều này rất nguy hiểm vì không phải kháng sinh nào cũng tiêm được vào mắt, thậm chí còn làm mắt sưng nề hơn. 

Một số tự mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn. Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt.

Virus có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới 35 ngày. Lây nhiễm có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành, cũng có thể từ người mang virus nhưng chưa biểu hiện bệnh sang người lành, qua trò chuyện hoặc cầm nắm vào các đồ vật trung gian. Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. 

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

- Không dùng tay dụi mắt.

- Khi có đang có dịch thì cần rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt. Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi...

Cách xử trí khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ:

- Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

- Tránh khói bụi, đeo kính mắt.

- Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).

- Tránh ôm ấp khi trẻ bị bệnh, ngủ riêng.

- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

- Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...

- Khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để khám, được tư vấn và điều trị.

Nam Phương