Hiểu lầm trầm trọng về cách phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây và có thể phải mất nhiều thời gian để điều trị. Nhưng đáng tiếc là nhiều người vẫn có những hiểu lầm về bệnh khiến việc phòng và chữa bệnh chưa hiệu quả.

Hiểu lầm trầm trọng về cách phòng bệnh

Nhiều người cho rằng chỉ cần nhìn vào mắt người bị bệnh đau mắt đỏ là sẽ lây bệnh và mắt càng đỏ thì càng chứng tỏ bệnh nặng, khả năng lây lan nhanh hơn. Chính vì vậy, nếu chẳng may bị bệnh thì cần đeo kính râm để hạn chế sự tiếp xúc bằng mắt với những người khỏe mạnh, nhằm tránh bệnh lây lan.

Thực tế, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đau mắt đỏ là bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, nước bọt, ôm hôn, bắt tay, đặc biệt là qua nước mắt của người bị bệnh vì nó chứa nhiều virus gây bệnh. Nếu đứng gần giao tiếp với người bệnh, virus từ người bệnh có thể lẫn vào không khí và chuyển sang người lành, kết quả là bệnh lây truyền chứ không liên quan đến chuyện có nhìn vào mắt người bệnh hay không. Việc đeo kính râm cũng là để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn vì khi bị đau mắt, việc tiếp xúc với ánh mặt trời sẽ khiến họ khó chịu.

Bên cạnh đó, bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng là bởi vì ngoài lây qua đường hô hấp, virus dễ di chuyển từ người bệnh vào các vật dụng như nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân... Và nếu người khác chạm vào những vật này hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh thì khả năng nhiễm bệnh sẽ rất cao.

Hiểu lầm trầm trọng về cách phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ
Nhiều người vẫn có những hiểu lầm về bệnh khiến việc phòng và chữa bệnh chưa hiệu quả. (Ảnh T. Hương)

Sai lầm trong cách chữa bệnh

Thực tế, rất nhiều người chủ quan và khi bị đau mắt sẽ tự mua thuốc về điều trị cho dù đó là đau mắt đỏ. Hoặc nhiều người sẽ điều trị bằng cách xông hoặc đắp một số lá như lá trầu không, lá dâu để dễ chịu hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm với sức khỏe và thị lực của bạn.

Theo BS.Nguyễn Thị Hiền (BV Thanh Nhàn, đau mắt đỏ là bệnh do virus nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường đòi hỏi sự tiếp xúc gần và thường xuyên... Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4 - 5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, tự ý mua thuốc nhỏ mắt không đúng thuốc, đúng cách sẽ rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn.

BS.Hiền cũng cho biết, khi bị đau mắt đỏ chúng ta không tự ý tra các loại thuốc có thành phần Cocticoid như Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa... vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt, có nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng thị lực, thậm chí dẫn tới mù lòa. Còn đối với các loại lá, trong các loại lá này có tinh dầu nóng nên dễ gây bỏng mắt. Khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh nhưng thực tế chưa có cơ sở khoa học nào chứng nhận tác dụng này. Chính vì thế khi điều trị các bệnh đau mắt đỏ cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Một số lưu ý phòng bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, cộng đồng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Luôn rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để phòng bệnh.
Luôn rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để phòng bệnh.