Từ 1.3, kê đơn thuốc cần xuất trình chứng minh nhân dân của bố hoặc mẹ
Từ ngày 1.3, khi kê đơn thuốc trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Khó khả thi
Thông tư 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có hiệu lực từ ngày 1.3.2018 nêu rõ: yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh; Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.
Đặc biệt, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Tuy nhiên, giới bác sĩ nhi khoa đã rất băn khoăn về việc này bởi quy định ghi số chứng minh nhân dân hay thẻ căn cưới của CMND/thẻ căn cước của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ không mang đến lợi ích gì mà lại gây khó cho gia đình, nhất là trường hợp gia đình vội đi chữa bệnh cho con không mang theo hoặc người đưa trẻ đi khám bệnh không phải là cha mẹ, người giám hộ của trẻ.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương- lo ngại quy định này khó khả thi, vì lo ngại có gia đình cung cấp số chứng minh nhân dân không chính xác và sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai): quy định này không có ý nghĩa nhiều bởi nếu điều trị ngoại trú bệnh nhân sẽ chi trả tiền mua thuốc tại hiệu thuốc, trẻ dưới 6 tuổi thì quy định hiện hành là 100% trẻ đều được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Phiền hà cho người bệnh
Mặc dù ngày 1.3 quy định này mới có hiệu lực. Tuy nhiên, chị Mai Lan Hương ở ngõ 111 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội có 2 con nhỏ dưới 6 tuổi băn khoăn: Không phải lúc nào chứng minh nhân dân cũng mang theo người. Chứng minh nhân dân cũng không phải quy định bắt buộc công dân phải đem theo người khi đi bất cứ đâu. Nếu trong trường hợp đi khám vội vàng mà không mang theo chứng minh nhân dân thì trẻ sẽ không được bác sĩ kê đơn hay thực hiện như thế nào? Bác sĩ áp đúng quy định không kê đơn sẽ khiến người nhà bệnh nhi phải trình đủ thủ tục, quá phiền hà.
Hiện nay, trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí việc đi khám, điều trị nếu xuất trình thẻ này sẽ đảm bảo đủ thủ tục cần thiết.
Ngày 1.3 thông tư này sẽ có hiệu lực. Lao động sẽ tiếp tục phản ánh tính khả thi của thông tư tại các cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nội.
Theo L.Hà
Lao động