Truyền thông chống dịch Covid-19 đến nhóm dễ bị tổn thương
(Dân trí) - Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế thực hiện dự án truyền thông tới các cộng đồng khác nhau, đặc biệt là những người ở các vùng khó khăn.
Chia sẻ tại hội thảo tổng kết dự án Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng chống Covid-19 sáng 25/9, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cũng cho biết trên toàn thế giới hiện có hơn 32 triệu trường hợp mắc Covid-19, đây là con số rất lớn, với hơn 980.000 trường hợp tử vong. Việt Nam được xác định là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Hơn 20 ngày liên tiếp qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Chúng ta đang kiểm soát tốt đợt dịch thứ 2 từ ngày 23/7 đến nay”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cũng cho biết đó là thành công bước đầu với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị một cách quyết liệt và đồng bộ ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế
Trong đó, các tổ chức quốc tế đã tích cực đồng hành cùng Bộ Y tế và các ban ngành địa phương để tổ chức các hoạt động truyền thông nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi phòng chống dịch bệnh Covid-19 tới các cộng đồng khác nhau, đặc biệt là các cộng đồng ở các vùng khó khăn, ít tiếp cận thông tin hơn như cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong đó phải kể đến dự án Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng chống Covid–19 do Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai về công tác truyền thông phòng chống Covid-19 trong thời gian qua. Dự án được thực hiện tại 13 xã tại thuộc 5 tỉnh/thành phố là Sơn La, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị và thành phố Cần Thơ.
Ông Trần Đức Mạnh, quản lý dự án cho biết đánh giá ban đầu cho thấy hầu hết người dân được hỏi đều biết về đường lây của Covid-19 tuy nhiên tỷ lệ chưa cao. Đặc biệt so với người lớn, thì trẻ em là nhóm tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang khi đi ra ngoài ở những nơi chưa có ca bệnh.
Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của người dân tại 5 tỉnh/thành phố, đặc biệt là dành sự quan tâm cho đồng bào dân tộc nói tiếng Thái, tiếng Bru-Vân Kiều, tiếng Paco, tiếng Khơ-me và tiếng H’Mong và thêm ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.