1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Truyền gấp 2 lượng máu cơ thể chỉ vì bệnh nhân bị... chảy máu chân răng

(Dân trí) - Một giáo viên dạy tiếng anh tại Sơn La đã được đưa đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong tình trạng chảy máu chân răng không cầm được. Trong 7 ngày điều trị, bệnh nhân được truyền đến 41 đơn vị máu. Số máu này gấp đôi lượng máu có trong cơ thể một người trưởng thành.

Bệnh nhân Eldniz (1992), quốc tịch Azecbaijan được đưa đến Viện trong tình trạng suy nhược cơ thể trầm trọng vì mất máu do chảy máu chân. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu nghi ngờ bệnh Lơ xê mi cấp và chuyển thẳng về Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Hai em bé là học sinh từ Sơn La được mẹ đưa xuống BV thăm thầy giáo. Ảnh: V.Q.H
Hai em bé là học sinh từ Sơn La được mẹ đưa xuống BV thăm thầy giáo. Ảnh: V.Q.H

Ngay sau các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân Eldniz được chẩn đoán bị bênh Lơ xê mi cấp thể tiền tủy bào, (bệnh ung thư máu cấp tính thể tủy) có kèm theo tình trạng "Rối loạn đông máu rải rác trong lòng mạch" (DIC), đây là một tình trạng bệnh rất nặng nề gây nguy hiểm đến tính mạng và chi phí điều trị là rất lớn đối với những người bệnh không có bảo hiểm y tế tại Việt nam như Eldniz.

ThS. Vũ Quang Hưng – Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu TW là người trực tiếp điều trị cho Eldniz cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mất nhiều máu, trước tình trạng đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xét nghiệm và tiến hành truyền máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh của bệnh nhân chuyển biến nghiêm trọng, xuất hiện thêm các yếu tố bất thường nên chúng tôi vừa phải tiến hành truyền máu và truyền cả hóa chất”.

Chỉ sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân Eldniz đã truyền 41 đơn vị máu nhóm máu B, đây là một trong những trường hợp bệnh nghiêm trọng khi chỉ trong một thời gian ngắn phải truyền máu. ThS. Vũ Quang Hưng cũng cho biết thêm các tế bào ung thư máu phát triển trong máu và tủy xương cao, dẫn đến giảm tiểu cầu và hồng cầu, xuất huyết trong, gây mệt mỏi. Đồng thời, bệnh nhân có khả năng bị nhiễm khuẩn và nấm vì tế bào bạch cầu bị suy giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy, bệnh nhân vừa phải truyền máu vừa phải điều trị kháng sinh, thuốc nhắm đích và truyền chế phẩm máu. So với tình trạng ban đầu nhập viện, đến thời điểm hiện tại Eldniz đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục điều trị và thở bằng máy.

Được biết, Eldniz (1992), quốc tịch Azecbaijan, hiện đang sinh sống tại Sơn La và là giáo viên dạy Tiếng Anh, hiện anh đang sinh sống một mình tại Việt Nam. Trong quá trình điều trị tại Viện, Eldniz được các cán bộ y tế và phòng Công tác xã hội của bệnh viện hỗ trợ chăm sóc và ăn uống. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính và gia đình ở xa, chỉ có bố của Eldniz sang Việt Nam để hỗ trợ điều trị, nhưng do bất đồng ngôn ngữ, lực lượng tình nguyện viên của bệnh viện đang hỗ trợ Eldniz trong quá trình điều trị tại Viện.

Đánh giá về tình trạng bệnh của Eldniz, Ths. Vũ Quang Hưng cho biết: “Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được truyền hóa chất và truyền máu. Tuy nhiên, với tình trạng bệnh như hiện tại, sẽ phải mất một thời gian dài để hồi phục sức khỏe, bên cạnh truyền máu và truyền hóa chất cần phải bổ sung chất dinh dưỡng và đảm bảo bệnh nhân không bị nhiễm trùng”. Hiện bệnh nhân Eldniz đang nằm trong phòng cách ly và tiếp tục được các bác sỹ theo dõi.

Nói về nhu cầu máu trong quá trình điều trị cho người bệnh, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, nguồn máu an toàn là vô cùng quan trọng để cứu người bệnh. Đặc biệt, trong dịp Ngày Quốc tế Người hiến máu 14/6 đang diễn ra thì những đơn vị máu được hiến từ người hiến máu tình nguyện lại càng quan trọng và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đặc biệt, những bệnh nhân phải truyền nhiều máu như Eldniz thì máu lại càng quan trọng không chỉ giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch mà còn giúp cho những cán bộ y tế an tâm công tác điều trị cho người bệnh”.

Mai Ly- Triệu Biển