1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trung tâm Y tế dự phòng huyện "cấp" giấy chứng nhận sức khỏe cho người đã chết

(Dân trí) - Bất chấp việc làm sai quy trình khám sức khỏe theo như quy chuẩn của Bộ Y Tế, Trung tâm y tế dự phòng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã “nhân bản” làm khống giấy chứng nhận sức khỏe cho trường hợp người đã khuất 9 năm vẫn được “khám” để trục lợi.

Ông Mai Qúy Khiêm (SN 1949, trú thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) nguyên Phó Chủ tịch huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn nói lên sự thật đó. Theo sự phản ánh của ông Khiêm, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch “nhân bản” giấy chứng nhận sức khỏe để bán cho hàng trăm đối tượng cần làm các thủ tục để xin việc làm trên địa bàn huyện Quảng Trạch.
Ông Mai Quý Khiêm phơi bày sự thật tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch
Ông Mai Quý Khiêm phơi bày sự thật tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch

Theo đó, ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm này đã ký khống cho nhiều trường hợp đến Trung tâm này để khám rồi xin giấy chứng nhận sức khỏe, để trục lợi mà chưa qua bất kỳ một thủ tục nào đúng với quy định.

Theo tìm hiểu, những đối tượng cần giấy khám sức khỏe, khi đến Trung tâm này chỉ mất 175 ngàn đồng và sau 1 giờ đồng hồ sẽ có giấy chứng nhận đã khám sức khỏe hoàn chỉnh, đúng như quy chuẩn của Bộ Y tế ban hành với đầy đủ các thông số như cân nặng, chiều cao, thị lực, tim mạch… mà không cần phải đến các phòng chức năng liên quan để khám hay chứng nhận thủ tục gì rồi được ông Phạm Minh Sơn ký nhận là đầy đủ.

Để chứng minh cho lời nói của mình là xác thực, ông Khiêm mang ra một bộ hồ sơ của một người bà con xa ra cho chúng tôi xem, đó là bộ hồ sơ khám sức khỏe “hy hữu”, người trong giấy chứng nhận đã khám sức khỏe đó là anh Nguyễn Đức Dương có địa chỉ ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch (nay là Thị xã Ba Đồn). Anh Dương đã qua đời từ năm 2006, nhưng vào ngày 28/3/2014, ông Khiêm mang bộ hồ sơ này đến chính Trung tâm này để “thử” trình khám thì vẫn được các thuộc cấp của ông Sơn nhận thủ tục. Và chỉ chưa tới 1 tiếng đồng hồ chờ đợi, thì ông Khiêm đã nhận hồ sơ khám sức khỏe hoàn chỉnh khi có đầy đủ các thông số xác nhận của các bác sĩ từng phòng khám chức năng và đặc biệt là có con dấu đỏ và chữ ký của ông giám đốc.

Anh Dương, người đã chết vào năm 2006 nhưng đến năm 2014 vẫn được Trung tâm này khám
Anh Dương, người đã chết vào năm 2006 nhưng đến năm 2014 vẫn được Trung tâm này "khám"
Giấy Chứng tử của anh Dương ghi rõ mất năm 2006
Giấy Chứng tử của anh Dương ghi rõ mất năm 2006

Trong hồ sơ và giấy chứng tử của trường hợp  anh Dương có ghi rõ, anh là một người bị bệnh tâm thần, sinh năm 1972 đã mất do mắc bệnh hiểm nghèo từ năm 2006.

Để tìm hiểu thực hư vụ việc trên, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch để liên hệ làm việc, nhưng được một số nhân viên tại trung tâm này trả lời rằng ông Sơn “bận đi họp”, khi chúng tôi trao đổi qua điện thoại về vấn đề trên thì nhận được câu trả lời bằng giọng điệu có phần hống hách: “Các anh muốn biết chuyện này à? thì lên Thanh tra Sở Y tế mà hỏi, tôi không có quyền cho biết về việc này vì họ đang kiện tôi…!”.

Không chỉ trường hợp hy hữu của anh Dương là duy nhất, mà theo như ông Khiêm phản ánh thì có đến hàng trăm trường hợp như vậy. Khi đến chỉ việc mua hồ sơ tại quầy bán và nộp 175 ngàn vào đó là có ngay giấy chứng nhận đã khám sức khỏe mà không cần phải “mất thời gian” để tới các phòng chức năng để khám.

Giấy Chứng tử của anh Dương ghi rõ mất năm 2006
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch bất chấp các quy định của Bộ Y tế đã làm trái quy định về khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe để trục lợi

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh về vụ việc nói trên, hiện tại Sở Y Tế đã lập một tổ thanh tra để điều tra và xác minh làm rõ trách nhiệm sai phạm của trung tâm y tế dự phòng Quảng Trạch. Nếu có kết luận về mức độ sai phạm chừng nào thì chúng tôi sẽ xử lý đúng với pháp luật chừng đó. Hiện tại Bộ y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo làm rõ vụ việc nói trên.”

Khi chúng tôi đặt vấn đề, liệu cấp trên (Sở Y Tế -PV) có buông lỏng quản lý đối với các đơn vị trực thuộc, trong đó có trung tâm này hay không, thì ông Cường cũng cho biết thêm. Sở cũng đã ra văn bản quy định rõ chức năng nhiệm vụ đúng với luật y tế gửi cho các đơn vị nhưng ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

Theo thông tư 13, 14 của Bộ Y tế có quy định rõ, bác sĩ đủ khám và chứng nhận sức khỏe phải có kinh nghiệm trên 54 tháng, nhưng tại chính Trung tâm y tế dự phòng này, những giấy khám sức khỏe khi được hoàn thành những Y sỹ mới ra nghề, hay vẫn đang trong giai đoạn thử việc vẫn “có quyền” ký xác nhận. Sau đó chỉ việc đưa lên “Sếp” trưởng đóng con dấu đỏ là xong xuôi tất.

Hoàng Phúc – Văn Lịnh