“Trục vong” chữa bệnh: phản khoa học!

Theo một số bác sĩ bệnh viện Tâm thần TPHCM, trong quá trình khám chữa bệnh, họ vẫn gặp không ít người cho rằng thân nhân mình mắc bệnh là do… “ma ám”. Trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện, họ từng nhờ thầy pháp, thầy bùa, nhà ngoại cảm “trừ tà, trục vong” chữa bệnh.

  

Thượng toạ Thích Nhật Từ.

Thượng toạ Thích Nhật Từ.

 

Thực hư chuyện này như thế nào, thượng toạ Thích Nhật Từ, tiến sĩ triết học, phó hiệu trưởng học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, giải thích:

 

Hiện tượng “ma ám”, hay dân gian còn gọi là “bệnh mắc đàng trên”, “bệnh mắc đàng dưới” phần lớn chỉ là mê tín, dị đoan. Trong thực tế, những người bị “ma ám” là người mắc các bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn đa nhân cách, hậu quả của những đau buồn, căng thẳng trong cuộc sống mà họ gặp phải. Khi đó, họ sẽ bị rối loạn nhận thức và tự cho rằng mình đang bị một hư linh nào đó nhập vào, bắt làm chuyện này hay chuyện kia. Nếu không hiểu biết đúng, gia đình thường mời thầy pháp, thầy tướng số, thầy phong thuỷ, nhà ngoại cảm “trục vong”. Điều này hoàn toàn phản khoa học, tạo điều kiện cho người chữa bệnh hù doạ, trục lợi, làm tiền.

 

“Một nhà ngoại cảm thật sự cần có kiến thức khoa học, liêm khiết tri thức và tinh thần độc lập để không lợi dụng các hoạt động này cho những mục đích riêng tư.

Nhưng thực tế cũng không ít gia đình đưa người bệnh đến chùa nhờ trị bệnh?

 

Đúng thế, đối với chùa có kinh nghiệm họ sẽ tư vấn cho gia đình đưa người bệnh đến trực tiếp bệnh viện chữa trị, còn chùa không kinh nghiệm sẽ tổ chức tụng kinh chữa bệnh. Theo tôi, tụng kinh chỉ có tác dụng tâm lý vì làm cho bệnh nhân có cảm giác ma đã xuất ra khỏi họ. Tuy nhiên, hình thức trấn an tâm lý này chỉ tác dụng vài ngày rồi đâu lại vào đó, thậm chí bệnh còn nặng hơn vì không được chữa tận gốc.

 

Đã có người nào đến nhờ thượng toạ “trục vong” chữa bệnh chưa?

 

Mười năm qua, có khá nhiều gia đình đưa người bị “ma ám”, “ma theo” đến nhờ tôi chữa. Điểm chung của những bệnh nhân này là ngoài việc ôm những nỗi đau khổ, sợ hãi, hận thù ức chế tâm lý không thể giải toả, họ còn bị hù doạ bởi những thầy cúng, thầy pháp. Để chữa trị, tôi không bao giờ áp dụng việc tụng kinh hay niệm thần chú mà chỉ đối thoại, khuyến khích họ nói ra mọi nỗi đau, đè nén trong người từ đó đưa ra lời khuyên, hướng đến sự buông bỏ tiếc nuối và chấp nhất.

 

Khoa học bác bỏ hoàn toàn chuyện “ma nhập”, còn theo thượng toạ thì thế nào?

 

Khoa học không phải là thước đo duy nhất của chân lý vì trong thực tế có những điều con người có thể cảm nhận bằng trực quan, giác quan hoặc suy luận.
 

 

Thượng toạ Thích Nhật Từ.

Một trào lưu hiện nay là nhờ nhà ngoại cảm “trục vong” chữa bệnh, thượng toạ đánh giá gì về năng lực của những người này?

 

Bên cạnh những nhà ngoại cảm chân chất, đóng góp cho xã hội trong việc truy tìm hài cốt, đáng được xã hội trân trọng thì cũng có nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm. Đó chỉ là nhà ngoại cảm nửa vời, thậm chí là người có những rối loạn tâm thần. Theo tôi, một nhà ngoại cảm thật sự cần có kiến thức khoa học, liêm khiết tri thức và tinh thần độc lập để không lợi dụng các hoạt động này cho những mục đích riêng tư.

 

Tiếp xúc nhiều với những bệnh nhân “ma nhập”, thượng toạ hãy cho một lời khuyên với thân nhân những người này?

 

Khi gặp những người bị cho là “ma nhập”, sau khi thông qua biện pháp tâm lý trấn an, bao giờ tôi cũng khuyên người thân đưa họ đến cơ sở y tế tâm thần gần nhất để được điều trị một cách bài bản, vì chỉ ở những nơi này bệnh nhân mới được chữa trị đúng cách. Ngược lại, người nhà sẽ hoàn toàn có lỗi lớn nếu đưa bệnh nhân đi hết thầy này đến thầy kia chữa bệnh vì như thế chỉ làm chậm trễ điều trị, tiền mất tật mang và đẩy bệnh nhân vào tình trạng nặng, khó phục hồi.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị