1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam chưa có phác đồ điều trị sốt rét bằng Artemisinine

(Dân trí) - GS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam chưa từng sử dụng Artemisine trong điều trị sốt rét ác tính. Mãi từ năm 1992 cố Bộ trưởng Bộ Y tế, GS Phạm Song mới quyết định áp dụng phác đồ này trên toàn quốc.

 

GS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, trong giai đoạn chống Mỹ, Việt Nam chưa sử dụng chiết xuất từ thanh hao hoa vàng để điều trị sốt rét ác tính. Ảnh: H.Hải
GS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, trong giai đoạn chống Mỹ, Việt Nam chưa sử dụng chiết xuất từ thanh hao hoa vàng để điều trị sốt rét ác tính. Ảnh: H.Hải

Liên quan đến việc nhà khoa học Trung Quốc Đồ U U được nhận giải Nobel Y học năm 2015 nhờ tìm ra thuốc artemisine chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng để cứu Bộ đội Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, GS Trọng khẳng định, hoàn toàn không có sự hỗ trợ về loại thuốc Artemisine trong điều trị bệnh nhân sốt rét Việt Nam bởi từ năm 1992, Việt Nam mới chính thức áp dụng phác đồ điều trị sốt rét ác tính bằng loại thuốc này.

“Những năm 80, khi làm giám đốc BV trên Thái Nguyên, có bệnh nhân sốt rét ác tính vào. Anh em trong viện có rỉ tai về loại thuốc của Trung Quốc chữa sốt rét. Thế nhưng thời điểm đó, Việt Nam Chưa có phác đồ sử dụng nên chúng tôi không dùng. Được áp dụng phác đồ điều trị thời điểm đó, người bệnh cũng qua khỏi. Mãi đến năm 1992 Việt Nam mới bắt đầu sử dụng Artemisine trong điều trị sốt rét ác tính. Thuốc này được chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng và có tác dụng rất tốt với sốt rét ác tính, chặn đứng được sự phát triển của bệnh, giảm tỉ lệ tử vong rất nhiều”, GS Trọng nói.

Cũng theo GS Trọng, để tìm ra chiết xuất này từ cây thanh hao hoa vàng, công đầu là của người Trung Quốc. Nhưng thuốc sử dụng tại Việt Nam, là do một nghiên cứu sinh Việt Nam mang cây thanh hao hoa vàng sang Hungari nghiên cứu, phát hiện chiết xuất ra Artemisine và mang về Việt Nam. Viện sốt rét kí sinh trùng côn trùng Việt Nam là nơi đầu tiên bắt đầu thí điểm loại thuốc này.

Đến năm 1992, sau rất nhiều hội thảo khoa học Cố Bộ trưởng Bộ Y tế, GS Phạm Song quyết định cho dùng Artemisine tại Việt Nam từ năm 1992.

Như vậy, trước năm 1992 Việt Nam chưa từng sử dụng Artemisine trong điều trị sốt rét. Vì thế, khó có thể nói nước láng liềng đã viện trợ thuốc này để chữa cho bộ đội Việt Nam.

“Thời đó, tôi chắc chắn nhân dân Việt Nam phải cảm ơn Trung Quốc rất nhiều đã giúp Việt Nam gạo, bi đông đựng nước, quần áo, giày dép... cho bộ đội Việt Nam. Còn Về thuốc Artemisine là chắc chắn không có vì trong kháng chiến chống Mỹ Việt Nam chưa dùng thuốc này”, GS Trọng nói.

Sự nỗ lực của Việt Nam đã giảm tử vong sốt rét

Trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ, công cuộc phòng chống sốt rét tại Việt Nam hoàn toàn là sự chủ động cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức của Úc, Bỉ... Nhưng quan trọng nhất, công cuộc phòng chống sốt rét đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm và triển khai nhiều hoạt động để đẩy lùi sốt rét.

Ngay sau khi hòa bình lặp lại, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm trong công tác vệ sinh phòng bệnh, trong đó có phòng chống sốt rét. Bộ Y tế thời đó có chủ trương tiêu diệt bệnh sốt rét. Ở miền Bắc cơ bản đã giải quyết được vấn đề sốt rét. Nhưng thời kỳ chống Mỹ, chiến trường miền Nam tình hình sốt rét rất nặng. Bộ đội Việt Nam bị ảnh hưởng do sốt rét rất nhiều. Do sự đi lại giữa miền Nam – Bắc qua dãy núi Trường Sơn (vùng sốt rét) nên bệnh sốt rét lại lan truyền ra phía Bắc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Y tế rất quan tâm tới việc phòng chống sốt rét cho bộ đội và nhân dân. Cố GS Đặng Văn Ngữ, nguyên là Viện trưởng Viện sốt rét kí sinh trùng, côn trùng Việt Nam cũng đã chủ động xin Chính phủ vào chiến trường để nghiên cứu phòng chống sốt rét. GS Trọng cho biết, thời điểm cố GS Đặng Văn Ngữ vào chiến trường miền Nam là với mục đích nghiên cứu, tìm vắc xin ngừa sốt rét chứ không phải mang loại thuốc nào được viện trợ vào để chữa cho bộ đội bị sốt rét.

Cuối những năm 80, số người chết do sốt rét có 4 chữ số, 4 - 5 nghìn người/năm. Từ những năm đầu thập kỷ 90, theo đề nghị của Bộ Y tế, Chính phủ cho đầu tư chương trình phòng chống sốt rét và sau khi triển khai chương trình này, sốt rét đã giảm hẳn. Theo đó, giai đoạn 1992 - 1995 tỷ lệ tử vong do sốt rét chỉ còn 3 con số (hàng trăm người chết/năm) và giai đoạn năm 1999 tỉ lệ này còn 2 con số (vài chục người chết/năm) và đến năm 2005, số người chết do sốt rét tại Việt Nam chỉ còn 1 con số (1 vài người chết do sốt rét/năm).

Theo GS Trọng, đạt được thành quả này, trước hết là sự nỗ lực của chính Việt Nam, sau khi triển khai chương trình phòng chống sốt rét, sốt rét dần được đẩy lùi. Theo đó, người dân đã được hướng dẫn phòng muỗi anophen đốt truyền, ở những môi trường sinh thái khác nhau thì có cách phòng phù hợp. Người dân được hướng dẫn ngủ màn, màn được nhuộm hóa chất diệt muỗi. Phát quan bụi dậm không cho muỗi trú ẩn. Đặc biệt đồng bào ngủ ở trên rẫy cũng phải ngủ màn. Cả mạng lưới phòng chống sốt rét VN từ Trung ương đến địa phương, y tế cơ sở đã được huy động để công tác phòng sốt rét đến tận xã, bản làng.

Trong quá trình đó nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế, như WHO, tổ chức của Úc, Bỉ... . Mỗi tổ chức lại giúp một mảng, từ đào tạo cán bộ, thuốc, hóa chất... nhưng chủ yếu vẫn là sự nỗ lực của Việt Nam, Chính phủ quan tâm và đến nay, Việt Nam đã đạt những thành quả to lớn trong công cuộc phòng chống sốt rét.

Trong một bài phỏng vấn đăng tải trên website của tổ chức Y tế Thế giới, GS Chu Nghĩa Thanh, người đã đạt giải thưởng phát minh châu Âu năm 2009 cho loại thuốc phối hợp artemisinin cho biết: Năm 1979, thuốc chống sốt rét từ artemisinin lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường trong chiến tranh Việt-Trung.

Hồng Hải