Trị vết thâm do bệnh ngoài da

Vết thâm hay vết tăng sắc tố sau viêm là một biểu hiện rất thường gặp khi mắc các bệnh hoặc tổn thương ngoài da. Thường thì các vết tăng sắc tố sau viêm này sẽ nhạt màu dần trong vài tuần đến một năm nhưng một số trường hợp, các vết thâm không mất đi.

Sau khi bị mụn nhọt hoặc bị một số bệnh ngoài da như chàm, nấm, ghẻ, xây xước da, thậm chí sau khi muỗi đốt, khi các bệnh này khỏi thì vẫn để lại một số dấu tích trên da như các vết thâm. Các vết thâm này có màu nâu nhạt, màu đen, đôi khi đen sạm. Tổn thương tăng sắc tố sau viêm bằng phẳng với mặt da, không đau, không ngứa. Các tác động cơ học làm tổn thương da nặng lên do đó làm tăng các vết thâm như gãi, cạo, chà xát...

 

Một số người tự ý bôi đắp các thuốc, các loại lá làm cho tổn thương da bị nhiễm trùng và lan rộng ra, khi lành bệnh để lại các vết thâm rộng và sâu rất khó khắc phục. Trong các trường hợp viêm da tiếp xúc do bụi phấn, côn trùng thì sau khi bệnh khỏi hay để lại các vết thâm dai dẳng, nhất là ở các bệnh nhân tự ý đắp gạo nếp hoặc đỗ xanh lên vết viêm da.

 

Để hạn chế các vết thâm, khi mắc bệnh ngoài da bạn không nên tự điều trị mà nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị tốt nhất.

 

Khi bệnh mới khỏi nên tránh nắng từ 11h – 14h nếu tổn thương da ở vùng hở.

 

Với các vết xây xước da ở vùng mặt, đồng thời với việc điều trị bằng thuốc bôi (leuconidine B, domina, despigmen... bôi ngày 2 lần kéo dài từ 1-3 tháng) và thuốc uống.

 

Nếu có điều kiện nên chiếu một đợt laser helineon. Tia laser này có bản chất là ánh sáng và không độc hại. Năng lượng tia laser làm tăng dòng chảy của máu, tiêu viêm, tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng quá trình lên da non và liền sẹo. Nhiều trường hợp sau chiếu tia laser tổn thương da khỏi là lành luôn và không bị thâm.

 

Với những trường hợp vết thâm tồn tại dai dẳng thì việc điều trị ít đạt được hiệu quả như mong muốn.

 

Theo TS. Nguyễn Thị Lai

Sức khỏe & Đời sống