Trẻ ngộ độc cafein trong nước uống có ga
Cháu N.T.T (3 tuổi) được đưa đi khám vì kích động, thức quấy không chịu ngủ. Kết quả khám tại khoa Nhi, BV Bạch Mai cho thấy: cháu bị ngộ độc cafein do uống nước ngọt.
Mẹ cháu cho biết, do cháu bị đi ngoài vài lần từ sáng nên phải uống nhiều nước. Nhưng do cháu không chịu uống nước lọc nên gia đình cho cháu uống nước ngọt có ga (hàm lượng cafein là 54mg) thay nước liên tục cả ngày để tránh mất nước.
TS Nguyễn Văn Bàng, khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Những biểu hiện bất thường của trẻ do uống nước có chứa cafein ít được gia đình chú ý và thường không đưa đi khám”.
Độc tính cafein ở trẻ xảy ra ở liều trên 6mg/kg/ngày. Tuy nhiên, ở liều trên 2,6mg/kg đã dẫn đến phản ứng phụ ở thần kinh và tim mạch.
- Thần kinh: trẻ trong trạng thái kích thích, luôn mất ngủ và căng thẳng hoặc quấy nhiễu,
- Tim đập nhanh.
Triệu chứng ngộ độc cấp sớm nhất là kém ăn, run rẩy, kích thích, lo lắng rồi rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn. Nếu uống nhiều quá sẽ có triệu chứng kích thích cơ tim khiến tim đập nhanh, cao huyết áp, tăng đường huyết, bệnh nhân lơ mơ, co giật, phù phổi và toan chuyển hóa gây tử vong khi ở liều 200 – 300mg/kg.
Nếu trẻ dùng thường xuyên trong một thời gian dài loại nước có chứa cafein sẽ gây lợi tiểu, làm mất nước, thường xuyên lo lắng, kém ăn.
Theo TS Bàng, để ngăn ngừa những rối loạn do ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, các bậc phụ huynh lưu ý không nên cho trẻ uống những đồ uống có ga quá nhiều. Tốt nhất trẻ nhỏ không nên uống loại nước này. Thiếu niên cũng chỉ nên uống ít và tránh sử dụng thường xuyên. Tuyệt đối không được dùng thức uống có cafein làm biện pháp bù dịch thay thế nước trong tình huống bệnh lý khi trẻ mắc bệnh hoặc kém ăn.
Theo Nhật Hà - Thanh Vân
Sức khỏe & Đời sống