1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ “nghiện” điện thoại, máy tính: Coi chừng bệnh tật ập đến

Trẻ em bị sa đà, mê mẩn với các thiết bị điện tử và môi trường ảo quá nhiều và không kiểm soát được nội dung có thể dẫn tới những tác động như giảm sức nhìn, rối nhiễu về mặt tâm lý, thậm chí có thể mắc các triệu chứng trầm cảm…

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay: Thực trạng và nhiều khảo sát cho thấy hiện nay trẻ em, thiếu nhi đang có xu hướng gia tăng việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh… Trong đó, nhiều trường hợp sử dụng với thời lượng nhiều giờ đồng hồ trong ngày.

Qua việc sử dụng đó, nhiều em bị sa đà, mê mẩn và có thể trở thành nghiện. Nhiều em không lúc nào rời được chiếc điện thoại thời gian rảnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ, trong đó có những thay đổi, những tác động tâm lý theo chiều hướng tiêu cực.

Theo chuyên gia tâm lý này, khi sử dụng những thiết bị điện tử quá nhiều, đầu tiên là ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể bị suy giảm như thị lực. Nếu trẻ em không vận động, chỉ ngồi một chỗ, nằm một chỗ thì sẽ không phát triển đầy đủ được. Việc này ảnh hưởng không chỉ về mặt cơ bắp, thể chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển não bộ và hệ thần kinh.

Việc sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ dẫn tới việc chú ý, tương tác ảo, tạo ra những nhận thức không đúng, không chân thật và có thể dẫn tới việc không phát triển tốt.

Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nhìn nhận, để giải quyết việc trẻ ngày càng bị cuốn quá nhiều vào các thiết bị điện tử là bài toán khó, bởi không phải khi nào phụ huynh cũng ngồi trông con được.

Trẻ “nghiện” điện thoại, máy tính: Coi chừng bệnh tật ập đến - 1

Phụ huynh không nên để con sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều giờ trong ngày. Ảnh minh họa

Theo đó, trước hết bố mẹ phải giải thích và tạo thói quen cho trẻ, không để các con bị sa đà, cuốn hút quá nhiều bởi những thiết bị này. Cùng với đó, những người trong gia đình cũng cần có những nhắc nhở, để ý khi các em sử dụng thiết bị như điện thoại, máy tỉnh bảng… với thời lượng quá lớn.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần những trình duyệt để quản lý, cài đặt lại về thời gian, chương trình trên các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh. Việc này nhằm kiểm soát, không để trẻ không sử dụng quá lâu. Mặt khác cũng cần quan tâm tới những nội dung khi trẻ truy cập mạng internet trên những thiết bị này.

Cần phải định hướng rõ ràng cho các em việc sử dụng những thiết bị này để truy cập thông tin, học tập… Thời gian sử dụng không được quá dài. Đặc biệt, cần phải lưu ý để tránh việc các con có thể truy cập, tiếp cận với những nội dung độc, nguy hại với độ tuổi của trẻ.

Ông Lâm đưa ra lời khuyên, trong những ngày hè, phường xã, trường học hay các tổ chức đoàn thể cũng cần có những chương trình để lôi cuốn các em được tham gia vui chơi... Việc này vừa giúp các con về mặt thể chất, vừa tăng được các kỹ năng mềm, kỹ năng cộng đồng.

“Cần phải tạo được môi trường, các hoạt động để trẻ em có thể vui chơi, tham gia các hoạt động. Việc các em được chạy nhảy, hoạt động thể dục, thể thao, tham gia vào các hoạt động thực tế… mới có thể giúp các em phát triển về thể chất và tinh thần. Nhất là hệ thần kinh, bộ não mới linh hoạt được.

Tránh tình trạng các em suốt ngày trong bốn bức tường dẫn tới ít hoạt động, tham gia trò chơi mà bị sa đà, cuốn hút bởi thế giới ảo. Thế giới ảo, môi trường ảo nhưng những ảnh hưởng và tác động tâm lý là thật. Tác động tâm lý có thể dẫn tới những trường hợp như bị rối nhiễu về mặt tâm lý, các bệnh về thần kinh, mặc cảm, trầm cảm….” – TS Lâm nói.

Theo Vương Trần

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm