1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ khoẻ mạnh, hiếu động dễ mắc viêm não

(Dân trí) - BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó GĐ BV Nhi T.Ư cảnh báo: Tỷ lệ trẻ mắc căn bệnh viêm não Nhật Bản ở những trẻ khoẻ mạnh, nghịch ngợm nhiều hơn là những trẻ gầy yếu.

 

 

Trẻ càng khoẻ càng dễ bệnh nặng

Theo thống kê của bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 500 ca viêm não Nhật Bản, chủ yếu là trẻ từ 6 - 10 tuổi, trong đợt hè 2007. Đáng nói là tỷ lệ trẻ khoẻ mạnh, nghịch ngợm, hiếu động bị bệnh này nhiều hơn những trẻ gầy yếu.

Hàng năm, thường bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 8, khi mà hoa nhãn, hoa vải nở rộ, cũng là mùa của nhiều loại hoa quả chín thì căn bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu xuất hiện.

 

Lý giải điều này, các chuyên gia dịch tễ cho biết: Mùa hè là mùa của rất nhiều loại quả chín... cộng với thời tiết nóng ẩm sẽ thu hút nhiều muỗi, chim, rơi, chuột… đến. Khi bị muỗi đốt, nó có thể truyền siêu vi trùng gây bệnh viêm não Nhật Bản.

Điều tưởng như vô lý này lại rất có lý bởi:

- Những trẻ khoẻ mạnh, hiếu động thường không bị bố mẹ quản, giữ dịt ở nhà như những đứa trẻ hay ốm yếu. Vì thế, chúng thỏa thê chạy nhảy, nô đùa, trèo cây, hái quả, nghịch ngợm ở bãi cỏ… nên rất dễ bị muỗi đốt (căn bệnh này lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi đốt).

Trong khi đó, những trẻ hay ốm vặt lại được cha mẹ chăm sóc cẩn thận, chủ yếu là ở trong nhà vì sợ con chơi đùa nhiều sinh ốm nên nguy cơ bị muỗi đốt ít hơn.

Vì thế, để phòng căn bệnh nguy hiểm này cho con trẻ, ngoài việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, BS Lộc khuyên cha mẹ nên cho con chơi ở những nơi thoáng gió, sạch sẽ ít ruồi muỗi. Cũng có thể bôi dầu tránh muỗi đốt để phòng bệnh cho trẻ.

-  “Cơ chế gây bệnh của siêu vi trùng viêm não Nhật Bản khá đặc thù: Đó là nó gây bệnh nhiều hơn, nặng hơn ở những trẻ khoẻ, có sức đề kháng tốt, còn với trẻ yếu, sức đề kháng kém, bệnh cảnh lại không quá nặng nề”, BS Lộc nói.

Tức là hệ miễn dịch cơ thể sẽ xảy ra phản ứng mạnh khi siêu vi trùng gây viêm não Nhật Bản truyền vào cơ thể của những trẻ có sức đề kháng tốt. Chính vì tiết ra kháng thể mạnh, nhanh để đối chọi với siêu vi trùng này đã gây những tổn thương nặng nề ở não. Còn những trẻ yếu, cơ thể cũng sinh ra kháng thể nhưng quá trình này thường chậm và nhẹ nhàng hơn, ít gây tổn thương, viêm não hơn.

Bệnh cảnh nặng nề

BS Lộc cho biết: Những ca viêm não Nhật Bản thường để lại những di chứng nặng nề do đến viện quá muộn. Có thể kể đến các di chứng hay gặp phải như liệt, yếu chân tay, mất khả năng nói, viết, mất trí nhớ, nghễnh ngãng, mù… Những di chứng này rất khó hồi phục và cần phải điều trị trong thời gian rất dài.

Hiện nay, nhờ tiến bộ trong điều trị mà tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn 7 - 8% trẻ chết do sốt cao, co giật, thiếu oxy não, nhiễm trùng huyết, bội nhiễm vi khuẩn khác hoặc tử vong do suy dinh dưỡng, bị tai nạn, rủi ro do di chứng thần kinh…

BS Lộc cảnh báo, khi trẻ có các dấu hiệu sốt rất cao, (39 - 40oC), đôi khi trẻ có các biểu hiện kèm theo như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn (thường kéo dài từ 1 - 6 ngày), cha mẹ cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời. Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình như tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê rồi đau đầu, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước…

Phòng bệnh - Số 1 là tiêm vắc xin

BS Lộc cảnh báo, tất cả những trẻ từ 3 tuổi trở lên và chưa có miễn dịch viêm não Nhật Bản, nếu bị muỗi mang siêu vi trùng đốt thì gần như chắc chắn sẽ mắc bệnh.

Trên thực tế điều trị, lứa tuổi từ 6 - 15 tuổi có nguy cơ cao bị viêm não Nhật Bản. Vì thế, nếu không tiêm phòng được cho bé khi còn nhỏ, ở lứa tuổi này, việc tiêm phòng vẫn rất hữu ích, tạo nên miễn dịch chủ động phòng bệnh.

Bên cạnh đó, cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ để hạn chế ruồi muỗi, chuột bọ. Không để trẻ chơi nghịch ở nơi có nhiều muỗi.

Dân gian ta có thói quen, cứ khi dịch xảy ra rồi mới đưa con đi tiêm chủng. Đây là quan niệm sai và việc tiêm chủng khi dịch đã xảy ra thì không có nhiều ý nghĩa phòng bệnh. Với vắc xin viêm não Nhật Bản, để tạo ra được miễn dịch chống siêu vi trùng viêm não, trẻ cần được tiêm trước mùa dịch từ 2 - 3 tháng. Vì thế, đây là thời điểm cần tiêm để phòng căn bệnh này.

Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Vắc xin viêm não Nhật Bản bắt đầu tiêm khi trẻ được 1 tuổi. Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch trình vì nếu không sẽ làm giảm hiệu lực của vắc xin. Vắc xin này đạt trên 90%, sau 2 - 3 tuần tiêm đủ 2 mũi, cơ thể trẻ sẽ sinh kháng thể.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm