Trẻ em gặp những vấn đề này dễ đối mặt với ung thư khi lớn lên

(Dân trí) - Những người từng béo phì khi còn trẻ sẽ có nguy cơ phát triển ung thư bàng quang cao hơn bình thường, kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tờ Annals of Human Biology.

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…). Tính chung cho tất cả các loại ung thư, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang đứng hàng thứ 4 (nam giới, sau ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng) và đứng hàng thứ 7 (nữ giới). Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.

Trẻ em gặp những vấn đề này dễ đối mặt với ung thư khi lớn lên - 1

Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bispebjerg và Frederiksberg, Đan Mạch. Để đi đến kết quả nêu trên, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích chỉ số khối cơ thể (BMI), cân nặng và chiều cao lúc sinh của 315.763 người được sinh trong giai đoạn 1930-1989, ở thời điểm học nằm trong khoảng 7-13 tuổi. Thông tin này được thu thập từ kho dữ liệu của Trường Copenhagen. Cùng với đó, nhóm tác giả cũng truy xuất thông tin về các đối tượng được nghiên cứu trong kho dữ liệu về ung thư của Đan Mạch. Theo đó, đã có 1.145/315.763 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang khi trưởng thành, trong đó có 839 nam giới.

Sau khi phân tích các dữ liệu thu thập được, nhóm tác giả đã rút ra được những kết luận sau:

- Những đứa trẻ 13 tuổi nếu có cân nặng cao hơn mức bình thường từ 5,9 kg trở lên sẽ có rủi ro mắc ung thư bàng quang cao hơn 10%.

- Những đứa trẻ cùng độ tuổi nhưng có chiều cao cao hơn mức trung bình từ 8 cm trở lên sẽ có nguy cơ mắc ung thư bàng quang thấp hơn 6%.

- Những đứa trẻ sinh ra bị thiếu cân sẽ có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn 26%, con số này thậm chí còn lên đến 36% ở những đứa trẻ sinh thừa cân.

Trẻ em gặp những vấn đề này dễ đối mặt với ung thư khi lớn lên - 2

“Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, với 2 đứa trẻ 13 tuổi có cùng chiều cao trung bình (154,5 cm) lần lượt có cân nặng 42,5 kg và 48,4 kg, thì đứa trẻ nặng hơn sẽ có nguy cơ mắc ung thư bàng quang khi trưởng thành cao hơn đến 10%” – BS Kathrine K Sorensen, đại diện nhóm tác giả chia sẻ.

Nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng, điểm hạn chế của nghiên cứu là thiếu thông tin về các nhân tố lối sống có liên quan đến ung thư bàng quang (thói quen hút thuốc, chế độ ăn, sử dụng rượu bia). Bên cạnh đó, các thông tin về tác nhân độc hại mà người mẹ phơi nhiễm trong quá trình mang thai, vốn là yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh của trẻ cũng là một khiếm khuyết của nghiên cứu.

Do các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận biết nên nhiều người thường chủ quan xem thường. Tuy nhiên, những dấu hiệu sau đây sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh:

- Tiểu lẫn máu

- Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu

- Mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên do, chán ăn, suy sụp nhanh

Những dấu hiệu trên cũng có thể gặp ở một số bệnh lành tính khác. Vì thế bạn cần đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Minh Nhật

Theo MedicalXpress