Trẻ dễ viêm tai giữa vì không vệ sinh mũi họng

(Dân trí) - Bị xổ mũi nhưng bé lại không biết cách xì mũi trong khi đó lại không được sự hỗ trợ từ người lớn để làm vệ sinh mũi họng, dịch từ mũi, họng dễ dàng lan lên tai giữa, gây viêm.

Chảy mủ tai vì không biết xì mũi

PGS.TS Đinh Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cảnh báo: "Qua thực tế khám chữa bệnh cho thấy, rất nhiều trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi bị viêm tai giữa có nguyên nhân từ viêm mũi, họng nhưng không thường xuyên được vệ sinh hút dịch từ mũi.

Bé Nguyễn Diệu L., 27 tháng tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc tình cờ được mẹ phát hiện tai của bé có vấn đề, hay chảy dịch nhưng không phải màu vàng của dáy tai mà có màu trắng đục và có mùi hôi rất khó chịu.

Lần lữa mãi, chị mới đưa con lên Hà Nội khám và được bác sĩ phát hiện là viêm tai giữa. Hỏi tiểu sử, bé L rất hay bị viêm mũi họng. Thấy con xì xụt, mũi xanh mũi vàng bết cả vào tay áo vì bé hay quệt mũ nhưng thấy diễn biến không nặng hơn, cũng không bị xuống phổi nên chị cũng kệ. Bác sĩ cho biết chính vì sự chủ quan, không hút mũi, làm vệ sinh mũi họng khiến vi khuẩn thâm nhập vào vùng tai là nguyên nhân khiến bé L. bị viêm tai giữa.

“Vẫn may vì bé chảy dịch ra nên tôi mới phát hiện đưa đi khám. Chứ như bác sĩ nói, nhiều đứa trẻ khác, màng nhĩ viêm đỏ, phồng, có nhiều dịch ứ đọng, phải chích rạch màng nhĩ để mủ chảy ra ngoài”, chị Lan, mẹ bé L tâm sự.

BS Dinh cho biết, với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, thậm chí đến 7 tuổi thường không biết tự mình xì mũi khi bị xổ mũi. Trong khi đó, ở lứa tuổi này do hệ miễn dịch còn non nớt, sức chống đỡ của cơ thể trẻ với môi trường bên ngoài rất yếu. Vì thế, ở những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, cơ thể trẻ không thích nghi kịp với sự thay đổi, thường xuyên bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây sốt, ho, sổ mũi.

“Khi bị xuất tiết đường mũi họng, có đờm, xổ mũi, trẻ lại không biết khạc nhổ, xỉ mũi cho sạch. Vì thế vô hình chung tạo thành một vòng tròn quẩn, dịch bị ứ đọng lại mũi thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn tiếp tục sinh sôi nảy nở. Rồi từ ổ viêm này, nó có thể tấn công xuống họng, tai, gây viêm họng, viêm tai giữa”, TS Dinh cảnh báo.

Do ở trẻ em, vòi nhĩ (nối hòm tai và họng mũi) ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng, nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai. Vì thế, khi bị viêm mũi họng mà không được điều trị triệt để, vệ sinh mũi họng sạch sẽ, bé thường bị biến chứng gây viêm tai giữa,

Mũi thoáng, họng sạch

Vì thế, để phòng biến chứng viêm tai giữa do viêm mũi, họng, việc quan trọng đầu tiên là điều trị triệt để tình trạng bệnh lý. Trong đó, việc rất quan trọng là phải luôn làm cho mũi trẻ được thông thoáng.

Vì thế, với trẻ nhỏ không biết xỉ mũi, người lớn cần giúp trẻ thực hiện công việc này. Tuy nhiên, hút mũi, làm vệ sinh mũi cho trẻ cũng phải đúng cách.

TS Dinh cho hay, nhiều bà mẹ thường chỉ nhỏ 1 - 2 giọt muối sinh lý vào mỗi bên mũi, thực ra cách này không hề có tác dụng làm sạch, cũng không đủ lượng để làm loãng dịch trong mũi, giúp cho việc hút mũi ra được dễ dàng hơn.

Với trẻ bị xổ mũi, để vệ sinh mũi cho trẻ, cần nhỏ 1/2 lọ muối sinh lý cho mỗi bên mũi. Sau đó chừng 1 - 2 phút, dùng dụng cụ hút sạch mũi, nước mũi sẽ giúp mũi bé luôn được thông thoáng.

Chị Bích Vân (Đại An, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, trước đây: Chị thấy việc nhỏ cả một lọ muối vào mũi con là vô cùng “bạo lực” và sợ làm hỏng viêm mạc mũi của trẻ. Nhưng từ khi sinh em bé thứ 2, khi bé 24 ngày tuổi đã bị viêm mũi cấp và bác sĩ hướng dẫn chị phải làm như thế nếu không muốn con bị biến chứng nặng hơn là xuống họng, phổi. Chị “nhắm mắt làm liều”, nhỏ muối sinh lý rồi hút mũi cho con. Chừng 3 ngày sau, bé khỏi tình trạng tịt mũi mà không phải dùng bất cứ viên thuốc kháng sinh nào. Chị rất mừng và từ đó, tin tưởng tuyệt đối sự hướng dẫn của bác sĩ về việc làm sạch mũi họng cho bé.

BS Dinh cũng chia sẻ, cháu nội bà hiện đã 10 tháng tuổi và chưa phải dùng bất cứ một loại thuốc kháng sinh nào, dù bé cũng hay bị xổ mũi, ngạt mũi. Mỗi lần bé bị ngạt, xổ mũi, bà đều dùng muối sinh lý nhỏ mũi rồi hút mũi cho bé, nếu bé ho, chỉ cần dùng thuốc hỗ trợ như Autusin, khí dung… vài ba ngày là khỏi.

BS Dinh lưu ý, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nên ngâm ấm nước muối (nhớ là chỉ hơi âm ấm), rồi nhỏ vào mỗi bên mũi của bé chừng 1/3 - 1 lọ tuỳ theo độ tuổi, sau đó dùng dụng cụ hút mũi hút sạch nước muối ra, làm như vậy chừng 2 lần thì mũi sẽ sạch. Sau cùng, nên nhỏ 1 - 2 giọt vào mũi và không hút ra nữa. Làm như thế này rất tốt, vừa giúp mũi bé được thông thoáng, mũi lại sạch trước khi được nhỏ một loại thuốc trị viêm mũi khác.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ