1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ đã mắc Covid-19 được bảo vệ trong bao lâu?

Nam Phương

(Dân trí) - Theo nghiên cứu, trẻ từng mắc Covid-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng. Dù vậy, trẻ vẫn cần tiêm vaccine để tăng cường khả năng bảo vệ.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ em mắc Covid-19, nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ em từng mắc Covid-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng, và tiêm vaccine sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2. Đây là kết quả một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại bang Texas (Mỹ) thực hiện và được công bố trên tạp chí Pediatrics. 

Mục đích của nghiên cứu là đánh giá mức độ kháng thể sau một thời gian ở người trưởng thành và trẻ em tại bang này. Đến nay, 14 triệu trẻ ở Mỹ đã mắc Covid-19. Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cung cấp 3 mẫu máu vào các thời điểm: trước tiêm chủng và trong giai đoạn các biến thể Delta và Omicron lây lan.

Trẻ đã mắc Covid-19 được bảo vệ trong bao lâu? - 1

Ảnh minh họa: BVCC.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm qua đường mũi và họng cũng không tồn tại lâu dài. Một số nghiên cứu thậm chí chỉ ra rằng kháng thể sau khi mắc bệnh tự nhiên chỉ tồn tại khoảng 3 tháng. Một người có thể tái nhiễm nhiều lần do nhiễm các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Nhiều ý kiến cũng cho rằng miễn dịch tạo ra do nhiễm biến chủng Omicron yếu hơn so với biến chủng Delta. 

Vì thế, dù đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh, các chuyên gia vẫn khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đi tiêm vaccine. Trong tháng 4, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, dù nhiễm hay chưa nhiễm thì với trẻ em việc tiêm vaccine ngay sau đó cũng sẽ tạo ra miễn dịch tốt hơn cho cơ thể để phòng tránh những đợt tái nhiễm sau này. Nếu đã tiêm rồi mà lại nhiễm thì miễn dịch tạo ra rất mạnh hoặc nhiễm rồi mà tiêm bổ sung thì miễn dịch tạo ra cũng rất tốt. Đó là lý do vì sao không cần phân biệt có nhiễm hay không nhiễm trong quá khứ để quyết định việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Điều này có nghĩa là dù trẻ có mắc hay không mắc vẫn tiêm phòng. Trẻ mắc Covid-19 chỉ cần khỏi là có thể tiêm được.

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Theo đó, để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại. 

Sở Y tế các tỉnh thành phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine.

Ngành y tế cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học ối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu. 

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Dự kiến những lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về đến nước ta trong tháng 4 này. 

Số ca mắc cộng đồng trung bình tại nước ta là 92.000 ca/ngày và tử vong trung bình 66 ca/ngày trong tuần qua. Các trường học đã từng bước mở cửa trở lại và mở cửa du lịch từ 15/3, vì thế theo Bộ Y tế có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến thể Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài biến thể Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại. Điều này sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).