1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ có thể chết vì dị ứng thức ăn

(Dân trí) - Dị ứng thức ăn có biểu hiện khá đa dạng, có thể chỉ là nốt ban đỏ, mề đay, rối loạn tiêu hóa, nhưng nặng thì cũng nguy hiểm như phản ứng thuốc, vắc xin. Có những trẻ phản ứng nặng với loại thực phẩm nào đó, vừa ăn xong có thể gây sốc phản vệ, tử vong.

Biểu hiện đa dạng

Mới đây, em Hồ Thị K.A. (11 tuổi, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được chuyển đến BV Trung ương Huế trong tình trạng da toàn thân bị phồng rộp kèm loét miệng, sốt cao. Người nhà cho hay, khi em đi học về thì có mua 1 chai nước ngọt để uống và sau đó xuất hiện tình trạng da phồng và rộp lên như bị bỏng. Các bác sĩ đã chẩn đoán em bị hội chứng Lyell, một hội chứng dị ứng nổi rộp da toàn thân.


Trường hợp dị ứng do trẻ ăn quả lạ được điều trị tại BV Bạch Mai trước đó. Ảnh: H.Hải

Trường hợp dị ứng do trẻ ăn quả lạ được điều trị tại BV Bạch Mai trước đó. Ảnh: H.Hải

Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) trước đó cũng tiếp nhận bé trai 9 tuổi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau khi ăn 1 quả dại màu đen chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay, toàn thân bé trai xuất hiện nổi bọng, trợt loét da, trợt loét các lỗ tự nhiên trên cơ thể như miệng, mắt, hậu môn, đầu sáo…

Còn tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Nhi Trung ương), số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý dị ứng, dị ứng thức ăn là rất nhiều. Có những bệnh nhân dị ứng nhẹ, biểu hiện mẩn đỏ, sưng nề nhưng cũng có những trường hợp dị ứng thức ăn vô cùng nguy kịch.

Trước đó, một bệnh nhi 14 tuổi ở Bắc Ninh được đưa đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng li bì, suy thở. Gia đình bệnh nhi cho biết sau bữa ăn trưa gồm nhiều loại thực phẩm, từ thịt gà, thịt heo, măng tươi, mít cháu bé có biểu hiện khó chịu và xuất hiện nhiều nốt mẩn ngứa trên da, sưng nóng môi, mắt mờ, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần… Nghĩ con bị ngộ độc thực phẩm, gia đình vội đưa đến BV tỉnh Bắc Ninh nhưng diễn biến ngày càng nặng, trẻ khó thở, tím tái, tụt huyết áp nên được cấp cứu, chuyển lên BV Nhi Trung ương.

TS Lê Minh Hương, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, Trưởng Khoa Miễn dịch - Dị ứng lâm sàng cho biết, dị ứng thức ăn có tỉ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi. BV từng tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng với các loại thực phẩm như trứng gà, sữa bò, sữa đậu nành, các loại hạt và cá và các biểu hiện dị ứng rất đa dạng ở mỗi trẻ.

“Có trẻ bị nổi mẩn ngứa, phù nề, loét miệng, rồi có trẻ phỏng rộp toàn thân, nổi bọng nước, nhưng có trẻ lại biểu hiện đi ngoài liên tục. Đặc biệt, có trẻ dị ứng thức ăn gây tiêu chảy kéo dài đến mức suy dinh dưỡng trầm trọng đi khám đủ nơi không phát hiện bệnh. Chỉ đến khi làm test kiểm tra mới biết trẻ bị dị ứng sữa bò và ngay sau khi dừng sữa bò khoảng 2 tuần bệnh nhi hết tiêu chảy, lên cân”, BS Hương nói.

Nhiều thực phẩm có khả năng gây dị ứng

ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi dị ứng nói chung, trong đó có cả dị ứng thức ăn với biểu hiện rất đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng. Có trẻ chị biểu hiện ngoài da như mẩn đỏ, ngứa, phù nề mặt mũi, chân tay, mồm miệng. Hay với những trường hợp nặng có thể có những bỏng nước, bong trợt, loét da. Hay lại có những trường hợp dị ứng biểu hiện bằng dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.

Trẻ có thể chết vì dị ứng thức ăn - 2

Nói về sự nguy hiểm của dị ứng thức ăn, BS Nam nói nếu dị ứng nặng thì gây phản ứng không kém phản ứng thuốc, vắc xin. “Dị ứng thức ăn cũng là một phản ứng nặng nề như dị ứng với thuốc. Bởi khi tiếp nhận một chất lạ cơ thể tự giải phóng ra các chất gây ra phản ứng lại. Thậm chí, nếu đứa trẻ dị ứng tôm nặng, chỉ cần ăn xong, thức ăn lọt qua thực quản có thể gây sốc phản vệ không cấp cứu được sẽ tử vong”, BS Nam nói.

Cùng quan điểm này, TS Hương cho biết, với một trường hợp dị ứng nặng, dù chỉ ăn một con tôm, một hạt lạc, hay một miếng yến (hay thực phẩm mà cơ thể dị ứng) thì có những người vừa ăn xong đã xuất hiện tình trạng sốc phản vệ, người túa mồ hôi, tụt huyết áp, co mạch, khó thở…

Theo TS Hương, vấn đề dị ứng miễn dịch và các bệnh tự miễn, trước kia trong nhi khoa cũng ít được chú ý, ngày nay môi trường thay đổi, chế độ ăn thay đổi nên tỉ lệ này ngày càng cao, gặp thường xuyên với biểu hiện đa dạng. Vì thế, việc xác định thực phẩm gây dị ứng cho trẻ rất quan trọng để người lớn chủ động xếp thực phẩm đó vào nhóm trẻ không dùng. Như trường hợp bé ở Huế, sau uống một lon nước ngọt thì bị phồng rộp toàn thân, đây là một phản ứng dị ứng. Trong nước ngọt có nhiều thành phần, nhưng chưa thể khẳng định được nó là căn nguyên gây dị ứng. Vì thế, bác sĩ phải khám, xác định có thực sự do lon nước ngọt đó làm trẻ dị ứng hay có bệnh vi rút trùng hợp. Nếu xác định đúng dị nguyên là lon nước ngọt này, trẻ tuyệt đối không nên uống lại lần sau.

Khi ăn, uống một thực phẩm nào đó, nếu thấy trẻ có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người, sưng phù môi, mắt và biểu hiện lặp lại mỗi lần ăn thực phẩm này thì chắc chắn là dị ứng nhưng cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và tìm hiểu dị nguyên gây dị ứng cho trẻ, tránh cho trẻ ăn các thức ăn này lần sau.

Theo BS Nam, bất cứ một thực phẩm nào cũng có thể gây phản ứng dị ứng, trong đó nhóm thực phẩm xếp vào loại dễ gây dị ứng gồm: lạc, tôm, nhộng, cóc, sữa bò, hải sản…Với những trẻ có đã từng dị ứng với một thực phẩm nào rồi không nên ăn lại vì lần sau có thể phản ứng nặng hơn.

Hồng Hải