Trẻ 21 tháng tuổi nguy kịch vì mẩu giấy ăn
(Dân trí) - Bé Đ. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ho nhiều, quấy khóc, khó thở, giảm thông khí phổi trái. Các mẩu giấy ăn được xác định là “thủ phạm” gây bít tắc hoàn toàn lòng phế quản trái của bé.
Ngày 3/4, bệnh nhi Nguyễn T.Đ (21 tháng tuổi, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) vẫn đang được theo dõi chặt chẽ tại Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt sau khi được nội soi gắp dị vật trong phế quản.
Trước đó, vào 13h ngày 1/4, bé Đ. được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ho nhiều, khò khè, quấy khóc, khó thở, tím môi, giảm thông khí phổi trái. Bé được chẩn đoán viêm phổi nặng. Tuy nhiên các triệu chứng lâm sàng tiếp theo diễn biến không đặc trưng theo hướng chẩn đoán ban đầu. Bệnh nhi tiếp tục khó thở, ho, tím tái.
Sau khi hội chẩn liên khoa Tai - Mũi - Họng, Gây mê, các bác sỹ nghi ngờ có dị vật gây bít tắc đường thở và chỉ định nội phế quản ống mềm kiểm tra. Kết quả nội soi cho thấy có nhiều dị vật mềm, mủn, nằm sâu bít tắc hoàn toàn lòng phế quản trái của trẻ. Việc gặp các dị vật khá khó khăn do dị vật đã bị mủn, ở lâu trong đường thở.
Kết quả nội soi gắp dị vật cho thấy đây là những mẩu giấy ăn. Người nhà bệnh nhi cho biết, vào ngày 1/4, trong lúc mẹ dọn dẹp nhà cửa, bé có chơi với hộp giấy ăn của gia đình. Có thể trong lúc chơi, bé đưa giấy vào miệng, bị sặc nên mẩu vụn của giấy rơi vào phế quản.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì dị vật đường thở do nuốt giấy là một trong những trường hợp rất hiếm gặp trên lâm sàng. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý không cho trẻ cầm, nắm hay chơi các đồ vật nhỏ để tránh nguy cơ bị hóc dị vật cho trẻ.
Hoàng Lam