Tranh cãi về bộ tiêu chí "dinh dưỡng lành mạnh"
(Dân trí) - Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh đối với một số nhóm thực phẩm chế biến. Chẳng hạn, sẽ không thêm đường vào yến mạch ăn liền, nước ép trái cây, rau củ…
Theo dự thảo, bộ tiêu chí này áp dụng đối với một số nhóm sản phẩm thực phẩm được chế biến công nghiệp, bao gói sẵn, sử dụng trực tiếp.
Cụ thể gồm:
Các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (với tiêu chí dinh dưỡng chính như năng lượng, chất béo, chất béo bão hòa, muối, đường toàn phần, chất xơ tùy theo loại sản phẩm).
Thịt chế biến (tiêu chí về chất béo, muối, đường toàn phần).
Nhóm thực phẩm cá và hải sản chế biến (tiêu chí về chất béo, muối, đường toàn phần).
Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa (tiêu chí về chất béo, đường toàn phần, canxi, probiotic).
Nhóm đồ uống (với tiêu chí về chất béo, natri, đường toàn phần, chất đạm).
Chẳng hạn, với mì ăn liền, tiêu chí về chất béo sẽ là ≤ 16g, natri là ≤ 700mg và chất xơ là ≥ 3g. Hay với yến mạch ăn liền thì sẽ không thêm muối, đường và chất xơ là ≥ 6g; với nước ép trái cây, rau củ cũng có quy định không thêm đường. Với thịt chế biến sẵn, quy định về chất béo sẽ là ≤ 10g, natri là ≤ 400mg, đường toàn phần là ≤ 5g.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh là khuyến cáo của cơ quan quản lý và chỉ giới hạn cho một số loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn. Đây không phải quy định bắt buộc và để phòng tránh bệnh không lây nhiễm.
Nhiều ý kiến trái chiều về tiêu chí "thực phẩm lành mạnh"
Phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo gần đây, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng nếu chỉ đề cập đến một số loại thực phẩm nhất định như trong tiêu chí này mà không bao quát hết được các loại thực phẩm thì sẽ gây sự phân biệt, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Nếu hướng đến việc phân loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, thì ông đề nghị xem xét việc xây dựng hẳn thông tư mới, không ban hành tiêu chí này.
Một số ý kiến cho rằng dự thảo đang làm "khó" doanh nghiệp. Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng về khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh phải đầy đủ và cân đối các dưỡng chất (gồm rất nhiều loại từ dưỡng chất đa lượng đến dưỡng chất vi lượng như vitamin và khoáng chất). Tuy nhiên, dự thảo chỉ đưa ra 2-3 tiêu chí về dưỡng chất đa lượng để một thực phẩm được coi là "dinh dưỡng lành mạnh" là chưa đủ.
Theo bà điều này có thể gây ra nhiều hiểu lầm của công chúng và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Người tiêu dùng có thể hiểu lầm rằng các thực phẩm không ghi nhãn "thực phẩm lành mạnh" thì là không lành mạnh và không nên ăn. Điều này không đúng vì chẳng lẽ gạo là "thực phẩm không lành mạnh" vì chỉ chứa chủ yếu tinh bột và có chỉ số đường huyết cao >55, mật ong "không lành mạnh" vì chứa nhiều đường, nước mắm "không lành mạnh" vì có nhiều muối...
Chẳng hạn, với sữa, hàm lượng canxi phải ≥130mg/100ml, nhưng trên thực tế, hàm lượng canxi trung bình trong sữa tươi là 90-120mg/100ml.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh do dịch Covid-19 nên ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống bị ảnh hưởng nặng nề. Dù không mang tính bắt buộc nhưng tiêu chí cũng định hướng hành vi của xã hội, tạo sự phân biệt rất lớn đến các doanh nghiệp. Vì thế, cần cân nhắc thời gian ban hành, cho doanh nghiệp thời gian thích ứng với thay đổi.
Trong khi đó, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng sự cạnh tranh này là lành mạnh, theo hướng tích cực, giúp các doanh nghiệp đi lên. Câu hỏi là tại sao các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia có thể tuân thủ được tiêu chí ở các quốc gia khác nhưng ở Việt Nam thì không tuân thủ được?.
Hiện nay, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam ở mức trên 20%, vì thế cần đến biện pháp can thiệp cộng đồng. Nếu chỉ truyền thông đơn thuần thì không đủ vì thực phẩm không tốt cho sức khỏe tràn lan trong khi người tiêu dùng chưa nhận thức tốt về chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Bộ Tiêu chí này là tiền đề để hướng đến xây dựng quy định về dán nhãn, logo phân loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tiêu chí nhằm định hướng nhà sản xuất có lộ trình cải tiến sản phẩm, giảm mức độ gây hại cho sức khỏe đến tối thiểu, từ đó phòng tránh bệnh không lây nhiễm; không nhằm tác động tiêu cực vào công nghiệp sản xuất thực phẩm.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cho biết bộ tiêu chí này hiện mới chỉ là dự thảo, đưa ra để lấy ý kiến của các bên. Cục rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của các đơn vị để hoàn thiện dự thảo này.
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.
Một phần của tình trạng thừa cân béo phì liên quan chặt chẽ đến dinh dưỡng. Người Việt đang tiêu thụ thịt quá nhanh, dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng. Trong khi tiêu thụ thịt đang thừa so với khuyến nghị, tiêu thụ rau củ quả tăng không đáng kể. Chỉ có 65% người Việt đạt mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả.