Trần trụi… đồ ăn chín

(Dân trí) - Đồ quay, luộc, nướng… được bán sát sìn sịt cạnh thức ăn sống, “phơi trần” giữa chợ, người bán hàng dùng tay không để bán đồ ăn nấu sẵn. Vậy nhưng nhiều khách hàng vẫn “phớt lờ” vì sự tiện lợi “mua về ăn ngay” của đồ ăn chín.

Chín sống như một

Tại các chợ ở khắp Hà Nội, từ nhỏ đến lớn đều có các hàng thực phẩm chín như thịt chó nướng, thịt quay, lòng lợn luộc… Nhưng chẳng có sự phân cách nào giữa đồ chín và đồ sống, chúng có thể được bán sát cạnh nhau thậm chí là chung nhau một chiếc bàn, nửa kia bán thịt sống, nửa này bán đồ chín.

Hơn mười hàng thịt ở chợ Xanh (quận Cầu Giấy) được sắp xếp như một sự “khôi hài”. Cứ vài ba hàng thịt bò, thịt lợn tươi lại “kẹp” một hàng đồ ăn chín. Các bàn xếp sát nhau đến mức người bán thịt tươi khi chặt thịt hoặc xương mạnh tay một tý là bắn tung tóe sang các hàng đồ ăn chín bên cạnh. Điều đó cũng chẳng làm người bán hàng nào bận tâm, khi thịt sống bắn sang nhiều quá, họ lấy chiếc khăn cáu bẩn đặt ở bàn lau lên đồ ăn chín để xóa “dấu tích”.

Hàng thịt sống lắm ruồi thì hàng chín cũng không kém. Mỗi lúc có khách đi qua, người bán hàng lại đưa chiếc quạt nan ra khuẩy lấy lệ.
 
Trần trụi… đồ ăn chín - 1
Không phân biệt về thức ăn chín - sống, người bán hàng cũng có thể “hỗ trợ” nhau bất kỳ lúc nào.
 
Không phân biệt về thức ăn chín - sống thì cả người bán hàng cũng không có ranh giới, họ có thể “hỗ trợ” nhau bất kỳ lúc nào. Có mấy người khách ghé hàng lòng lợn luộc lúc cô bán hàng không có mặt ở đó, chị bán thịt bò bên cạnh nhanh nhảu : “Có đây! Anh chị ăn gì nào?”. Chị đưa luôn hai tay vừa thái thịt bò để cắt lòng lợn đã luộc chín cho khách. Tưởng rằng, thấy thế khách hàng sẽ phải tìm đường “chạy” nhưng lại chẳng ai để ý. Ba người khách đứng đó không một ai lên tiếng phản ứng mà vẫn vội vàng “tranh phần” cho kịp bữa trưa.
 
Phía ngoài cổng chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), hàng chục hàng bán đồ ăn chín “phơi bụi” giữa đường đi lại luôn nghẹt người và đầy bụi bặm, chỉ một vài hàng có tủ kính đựng thức ăn.

“Ớn” nhất là hàng thịt chó ở gần cuối đường. Một chiếc bàn dài khoảng mét rưỡi, một nửa bán thịt chín, và nửa kia đặt thịt sống. Cô bán hàng dùng chung một con dao chặt cho cả hai loại thịt sau khi lau qua một cách sơ sài. Chiếc thớt cũng vậy, thịt sống được chặt mặt bên này, còn mặt kia dành cho thịt chín. Vậy mà, mỗi buổi chiều người mua vẫn xếp cả hàng dài.

Tủ kính, găng tay: Chuyện “cổ tích”

Rất hiếm hàng bán thức ăn chín nào sử dụng tủ kính, tìm người bán hàng đeo găng tay lại càng khó hơn. Điều tối thiểu nhất trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành quá xa vời với những người bán hàng. Đối với họ, đó chỉ là công cụ để đối phó khi có đoàn kiểm tra chứ không phải là để bảo đảm vệ sinh cho thực phẩm.

Vừa thò tay vào chiếc thẩu nhựa bốc dưa kiệu cho khách, cô bán thịt lợn quay ở chợ Kim Liên bình thản: “Chẳng ai thích đậy tủ kính cả, như thế không bắt mắt khách hàng. Chứ trần như nhộng nhìn vào mới thấy ngon lành, thòm thèm”.

Đúng như cô bán hàng nói, theo quan sát thì hàng nào bán đồ ăn chín mà đựng trong tủ kính khách rất thưa thớt, hàng nào càng “trần trụi”, càng “phô” thì càng đông người mua.
 
Trần trụi… đồ ăn chín - 2
Thúng bún”phơi” giữa lối đi lại đầy bụi bặm, người bán không hề sử dụng găng tay.

Mấy hàng bún ở phía ngoài chợ Cầu Giấy, cạnh ngay sông Tô Lịch chỉ cần một chiếc ghế hay bàn thấp đặt thúng bún. Bún được giăng ra trắng xóa, đặt ngay bên mép đường tấp nập người qua lại. Hỏi chị bán hàng sao không đậy thúng bún lại thì chị cười: “Đậy lại mà ế hàng à, ai thấy mà mua”. Bên cạnh thúng bún có nhét mấy đôi găng tay nhưng chị cho biết chẳng bao giờ sử dụng đến vì… vướng.

Việc thức ăn “trần truồng” không để trong tủ kính, người bán hàng không sử dụng găng tay khách hàng chính là những người thấy rõ hơn ai hết. Đến người tiêu dùng còn bình thản như thế thì đến bao giờ thực phẩm mới thực sự an toàn?

Bài và ảnh: Hoài Nam