1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tràn lan thuốc kém chất lượng

Hàng chục loại thuốc chữa bệnh được thông tin sản xuất đạt chuẩn thế giới nhưng những phát hiện mới đây cho thấy chất lượng không như thực tế.

Hàng loạt thuốc kém chất lượng bị phát hiện

Hàng loạt thuốc kém chất lượng bị phát hiện
Thuốc “xịn” chất lượng kém

 

Được cho là thuốc sản xuất trong nước đạt chuẩn, nhưng sau khi trúng thầu vào bệnh viện năm 2013, đã xuất hiện nhiều loại thuốc có chất lượng kém, gây ra vô số phản ứng phụ. Sau khi BV đa khoa Thống Nhất Đồng Nai đưa vào sử dụng thuốc TV.Ceftri 1g lô sản xuất 004, có hạn dùng đến 17/4/2016 do Công ty dược Trà Vinh sản xuất, chỉ trong ngày 25/7/2013 đã có 4 trường hợp bị tác hại của thuốc này gây ra khi sử dụng.

 

Ngay lập tức, lãnh đạo bệnh viện này đã báo cáo khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Sở Y tế Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị y tế ngoài công lập và công lập ngưng ngay việc sử dụng thuốc trên.

 

Theo Cục Quản lý Dược, những năm gần đây, qua các mẫu kiểm tra, tỷ lệ thuốc giả đã giảm dần nhưng tỷ lệ thuốc kém chất lượng lại tăng lên. Trong năm 2012, trong 35 nghìn mẫu kiểm tra tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm 3,09%. 9 tháng đầu năm 2013, trong 32 nghìn mẫu được kiểm tra đã có 3.08% mẫu thuốc kém chất lượng.

 

“Việc thu hồi thuốc kém chất lượng diễn ra liên tục, cả thuốc nhập khẩu và trong nước sản xuất. Tuy nhiên thuốc trong nước có tỷ lệ thu hồi thấp hơn”- một cán bộ ở Cục Quản lý Dược cho biết.

 

Trong tháng 8, Sở Y tế TPHCM cũng tiến hành thu hồi, đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc kém chất lượng. Mới đây nhất là loại thuốc kháng sinh viên nén bao phim Roxithromycin 150mg; hộp 2 vỉ x 10 viên; số lô: 232911; hạn dùng: 7/6/2015 do Công ty cổ phần Dược T.Ư Mediplantex sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan theo tiêu chuẩn cơ sở.

 

Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc viên nén bao phim Tenovir điều trị nhiễm HIV thuộc lô sản xuất 61201 do Công ty Navegal laboratories của Pakistan sản xuất vì không đạt độ hòa tan. Loại thuốc y học cổ truyền cốm Nhiệt Lâm Thanh, lô 100402, do Công ty Guizhou Warmen Pharmaceutical Co., Ltd của Trung Quốc sản xuất lưu hành sau hai tháng cấp phép cũng bị đình chỉ lưu hành.

 

Loạn thuốc Ấn Độ

 

Đầu tháng 1/2013, Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành đối với lô thuốc Cefixime Tablets USP 200mg, số lô: AC 1102; số đăng ký: VN-12142-11, do Công ty ACI Pharma Pvt.Ltd của Ấn Độ sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng và độ đồng đều phân liều. Một tháng sau, 2 loại thuốc khác cũng được nhập về từ Ấn Độ phải thu hồi vì kém chất lượng.

 

Trong tháng 3/2013 viên nang Dolcel 100 trị viêm khớp do Công ty Chethana Drug & Chemicals của Ấn Độ sản xuất và thuốc Ikomel trị viêm khớp số lô IML 101 Công ty Iko Overseas của Ấn Độ sản xuất đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

 

Sau khi kiểm nghiệm thuốc Clavophynamox 1000 của Công ty Flamingo Pharmaceuticals Ltd Ấn Độ sản xuất được Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu, cơ quan chức năng phát hiện thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan của hoạt chất Amoxicillin. Loại thuốc này trước đó được đánh giá là thuốc chất lượng do công ty sản xuất trong quy trình đạt chuẩn châu Âu.

 

Hai loại thuốc khác là Nalidixic acid tablets BP 500mg và Piroxicam cũng của Công ty Flamingo Pharmaceuticals Ltd, Ấn Độ sản xuất bị Cục Quản lý Dược phát hiện kém chất lượng do lỗi về chỉ tiêu độ hòa tan và độ tan rã.

 

Trong khi đó, Công ty Umedica laboratories.Pvt cũng của Ấn Độ sản xuất 3 loại thuốc nhập vào Việt Nam 3 lần vi phạm do kém chất lượng. Thuốc Max-rifa được Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu không đạt chỉ tiêu độ hòa tan; thuốc UMEXIM-100 do Công ty cổ phần Dược thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu vi phạm khối lượng trung bình thuốc trong nang và thuốc UMED-ETHAM 400 do Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II nhập khẩu vi phạm chỉ tiêu mô tả.

 

Theo ông Nguyễn Việt Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, từ ngày 1/1/2011 đến 23/8/2013, Cục Quản lý Dược đã phát hiện 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Trong đó có 25 công ty dược phẩm của Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng.

 

Trước tình trạng gia tăng nhiều loại thuốc ngoại nhập không bảo đảm chất lượng, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu, từ ngày 1/10 tới, 100% số thuốc nhập khẩu của 37 công ty dược nước ngoài từng có thuốc vi phạm chất lượng, sau khi được thông quan, các công ty nhập khẩu thuốc phải chuyển về bảo quản tại các kho đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” và chỉ được phép đưa ra lưu thông, phân phối khi đã được lấy mẫu, kiểm tra đạt tiêu chuẩn.

 

Theo Lê Nguyễn

Tiền phong